Cuối tháng 9-2006, Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành rà soát 289/320 loại giấy phép kinh doanh (GPKD) và các hình thức khác nhưng có tính chất như giấy phép mà Tổ này tập hợp được. Trên cơ sở xem xét tính hợp pháp, tính cần thiết, tính cụ thể, hợp lý, hiệu quả... đồng thời đối chiếu với các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành, Tổ Công tác đã kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn 43 giấy phép vì không có cơ sở pháp lý.
Thế nhưng, cứ chờ mãi, chờ mãi…, chẳng những không thấy bộ nào tự bãi bỏ các GPKD bất hợp lý này, mà một số “giấy phép con” khác lại tiếp tục mọc thêm ra. Lý do đơn giản được đưa ra là: những giấy phép đó vẫn cần thiết cho công việc quản lý nhà nước.Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn thực hiện cơ chế “hỏi ý kiến các bộ, ngành” như vậy, “cuộc chiến” chống giấy phép con sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế còn nói thẳng: “Chẳng ai tự nhiên muốn tự đập vỡ “niêu cơm” của mình, nên người ta phải ra sức bảo vệ nó”. Hơn nữa, việc đưa ra các ngành kinh doanh có điều kiện do các ngành đề xuất, nhưng bây giờ lại yêu cầu họ tự rà soát và tự bỏ là điều không tưởng.
Theo ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lối thoát là phải có những tiêu chuẩn, căn cứ, nội dung thủ tục ban hành các giấy phép một cách chính quy. “Bãi bỏ những giấy phép không cần thiết hiện nay là việc cần làm nhưng quan trọng hơn là phải giải quyết được tận gốc việc ban hành giấy phép con” -ông Ân nói. Nghị định 139/NĐ-CP mới được ban hành có vẻ đáp ứng được yêu cầu này.
Theo nghị định, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, ngoài quy định của các luật, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ đều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2008. Điều này cũng có nghĩa, từ thời điểm 1-9-2008, sẽ không còn đất cho các GPKD không có cơ sở pháp lý.
Liên quan đến 43 “giấp phép con” mà Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư kiến nghị bãi bỏ, TS Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ công tác này cho biết: căn cứ theo Nghị định 139, nếu đến thời điểm 1-9 năm tới, các giấy phép này vẫn chưa được bãi bỏ thì đương nhiên sẽ không còn hiệu lực áp dụng.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH