
Trao đổi với ĐTTC, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phùng Khắc Kế thừa nhận đang có làn sóng xin thành lập công ty tài chính từ các tập đoàn kinh tế nhà nước. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý và giao NHNN cấp phép thành lập công ty tài chính cho Tập đoàn Điện lực và Tổng Công ty Vinaconex.
Quy định chặt chẽ

Theo ông Kế, với xu hướng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc các tập đoàn, tổng công ty lớn cần thành lập công ty tài chính là hợp lý. Tuy nhiên, việc các tổ chức phi tín dụng tham gia vào lĩnh vực thu hút vốn của công chúng là một khía cạnh đã được cảnh báo khá nhiều về độ rủi ro, nên NHNN rất thận trọng trong việc cấp phép.
Mới đây, NHNN đã ban hành Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần (gồm công ty tài chính cổ phần và công ty cho thuê tài chính cổ phần). Quy chế này đưa ra các điều kiện khá chặt chẽ đối với các cổ đông tham gia góp vốn.
Theo quy chế mới, cổ đông sáng lập là cá nhân phải là người am hiểu về hoạt động ngân hàng, có đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm các quy định pháp luật, đồng thời phải có đủ khả năng tài chính để góp vốn và cam kết hỗ trợ tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong trường hợp khó khăn về vốn hoặc thiếu khả năng chi trả.
Cổ đông sáng lập là tổ chức phải chứng minh có đủ khả năng tài chính và có cam kết hỗ trợ tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần trong trường hợp khó khăn về vốn hoặc thiếu khả năng chi trả, thiếu khả năng thanh khoản. Cổ đông sáng lập là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản có 500 tỷ đồng; kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần.
Trường hợp là tổ chức tín dụng phải đảm bảo tổng tài sản tối thiểu 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3% tổng dư nợ tại thời điểm xin góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần; không vi phạm các qui định về an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN Việt Nam; kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm xin thành lập.
Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài
Ngoài xu hướng các tập đoàn muốn lập công ty tài chính, nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng cũng đang mong muốn nhảy vào lĩnh vực tuy mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này. Mới đây nhất, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79 về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính.
Theo đó, công ty tài chính được huy động vốn để cho vay, đầu tư nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm. Dự thảo này cũng quy định rõ, tổ chức tín dụng nước ngoài được tham gia thành lập công ty tài chính liên doanh, hoặc công ty tài chính 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Với công ty tài chính liên doanh, phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ. Tổ chức tín dụng nước ngoài trong công ty tài chính liên doanh hoặc công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải được tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ở nước nguyên xứ cho phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Đồng thời, phải có tổng tài sản có trên 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn, trừ trường hợp Hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và nước nguyên xứ có quy định khác. “Với những quy định chặt chẽ như vậy, các công ty tài chính mới được thành lập sẽ thực sự là một kênh dẫn vốn mới hiệu quả và ít rủi ro” – Phó Thống đốc Phùng Khắc Kế nói.
Hàm Yên

