(SGGPO). - Tối 7-10, tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc nhân dân 2 xã Phước Hữu, Phước Thái, huyện Ninh Phước.
Cùng dự buổi tiếp xúc nhân dân có lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban dân vận Trung ương, đại diện Văn phòng Quốc hội... nhằm tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Ninh Thuận trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch UBTW MTTQ VN Nguyễn Thiện nhân dẫn đầu đoàn tiếp xúc đồng bào người Chăm tại Ninh Thuận
Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Chăm nhất cả nước với 77.000 người. Trong đó huyện Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất với 46.210 người. Đến nay, 100% các làng Chăm đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học và THCS, 100% xã được công nhận xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học. Các huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống đều có trường THPT... Trong buổi tiếp xúc, lãnh đạo hai xã là ông Lưu Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Phước Thái và ông La Văn Điệp, Bí thư xã Phước Hữu đều có chung một đề xuất: Đảng và nhà nước cần có chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc Chăm.
Nhiều đại diện đồng bào Chăm tại đây đã nói lên tiếng thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình. Đáng chú ý, bên cạnh kiến nghị Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho đồng bào người Chăm cả về cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển thì nhiều ý kiến thể hiện bức xúc khi con em họ học hành xong không xin được việc làm. Đây là bức xúc hàng đầu của bà con.
Theo ông Lưu Văn Thính, xã Phước Thái, người có uy tín, Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamon, tỉnh Ninh Thuận, đời sống người dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống hiếu học, đồng bào đã vay tiền cho con em mình đi học. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp ra trường 2-4 năm lại không có việc làm nên phải sang Bình Thuận tưới thanh long, lên Đắk Lắk hái cà phê, vào TPHCM làm công nhân… rất vất vả.
Ông Lưu Ra, thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu cũng cho biết thêm, đã khó lại khó thêm vì bà con phải trả số tiền đã vay đi học. "Con em chúng tôi phải đi xa tìm việc làm, đến lễ hội Ka tê, Tết mới được về, vất vả lắm", ông Lưu Ra bày tỏ.
Trước tình trạng thất nghiệp nhiều, ông Lưu Ra cho rằng tỉnh phải có kế hoạch thu hút đầu tư, để bà con, con em không phải đi làm xa. Ông cũng nêu ra một vấn đề nhức nhối của xã hội là tình trạng “con ông cháu cha” thì mới có cơ hội được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước. Từ đó ông kiến nghị phải công khai hơn nữa trong việc tuyển dụng công chức.
Ngoài vấn đề việc làm cho con em, ông Lưu Văn Thính cũng nêu: hiện nay giá lúa quá thấp, dân không đủ sống do đó ông kiến nghị Nhà nước phải bảo đảm giá lúa cho dân. Đặc biệt, ông cho biết dân rất bức xúc về tình trạng tham nhũng: "Chúng tôi coi ti vi thấy bắt ông này vì sai phạm ngàn tỷ đồng, ông kia ngàn tỷ đồng, nếu số tiền đó nuôi 2 xã chúng tôi đây thì ngàn đời không hết". Ý kiến của ông đã nhận được tràng pháo tay của người dân.
Bà con người Chăm tham dự buổi tiếp xúc
Trước những trăn trở của bà con dân tộc Chăm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Ninh Thuận đang gặp khó khăn là tỉnh ít nước nhất cả nước. Nhưng đồng bào Chăm đã cần cù chịu khó, hiếu học, đoàn kết để phát triển, vì vậy cần tiếp tục phát huy.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc học ra mà không xin được việc làm, trước hết chính người học phải thay đổi. Phải học nghề mà xã hội cần. “Giống như bà con trồng thanh long, nếu Nhật Bản, nước Anh họ không ăn thì không thể bán cho họ. Đầu tiên là phải xác định không phải thích học gì thì đi học ngành đó, mà phải tìm hiểu học nghề mà ra trường có thể xin được việc làm hay không. Còn nếu đã nhỡ học mà không xin được việc thì phải quyết tâm học thêm để chuyển nghề", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói. Người học thì phải chịu khó học đạt chất lượng, biết tiếng Anh, biết chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhưng bên cạnh đó, để giúp cho người học thì từng xã, từng huyện phải lên được danh sách những người học ngành nghề nào để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. “Khi doanh nghiệp đến đầu tư ở Ninh Thuận thì đã có danh sách những người có thể đáp ứng nhu cầu lao động. Sở KH-ĐT cần lập đươc danh sách những người đã tốt nghiệp ĐH-CĐ, ngành nghề gì, công bố rộng rãi trên mạng để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Vẫn theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ GD-ĐT đang lập trung tâm dự báo nhân lực, cung cấp lượng người tốt nghiệp để các doanh nghiệp có thông tin tuyển dụng. “Nhà nước không thể lo hết việc làm cho người học mà phải kết hợp cả nhà nước và thị trường. Có sự liên kết thông tin, dự báo để cung-cầu việc làm gặp nhau. Nhiều bà con lo ra trường dù chưa có việc làm nhưng người học phải trả nợ tín dụng HS-SV. Nhà nước không đòi tiền ngay những người chưa có việc làm”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ cho biết.
Về dạy tiếng Chăm cho con em người Chăm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đia phương nên chủ động làm đề án quốc gia về dạy tiếng Chăm theo cách dễ học, dễ hiểu hơn cho con em đồng bào người Chăm.
Về phát triển kinh tế, theo ông Nguyên Thiện Nhân, để thoát nghèo thì phải tìm cách. Giá lúa xuống thì nhà nước không thể kéo lên mà phải do điều tiết của thị trường. Chúng ta mỗi năm xuất khẩu 6 triệu tấn lúa, nếu không xuất khẩu được thì ngay lập tức giá lúa xuống. Kinh tế thị trường là vậy, khi nguồn cung hàng hóa nhiều thì giá xuống. Bà con phải chuyển hướng trong sản xuất, nếu mặt hàng nào đã dư thừa thì không trồng, không sản xuất nữa để tránh giá xuống. Lúa đang rẻ thì chuyển sang trồng trái cây. Năm 2016 ước tính xuất khẩu được 2,5 tỷ USD, lần đầu tiên thu nhiều hơn cả dầu lửa. Thị trường trái cây rất rốt, nếu chúng ta trồng bảo đảm chất lượng thì giá trị rất cao. Để bảo đảm giá trị nông sản thì người nông dân phải từ bỏ thói quen làm ăn cá thể, tập hợp thành hợp tác xã-HTX, tổ liên kết, tổ sản xuất để cùng lo khâu sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, tiêu thụ, vốn. "HTX phải giúp nông dân bán được hàng hóa trước khi thu hoạch bằng cách liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn, còn chờ đến khi nông sản vào mùa thu hoạch mới lo bán thì chắc chắn bị thương lái ép giá”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
| |
PHAN THẢO