
Nhân kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng miền Nam (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), trên địa bàn Hà Nội (HN) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ lớn, trong đó điểm nhấn là Tuần lễ Du lịch làng nghề, phố nghề diễn ra từ ngày 29 - 4 đến 4 - 5- 2008 do Hiệp hội Làng nghề VN phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa- Thành cổ HN tổ chức. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Duy Dần (ảnh), Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề VN, Trưởng Ban tổ chức sự kiện này.
- Gọi là tái hiện làng nghề phố nghề của HN 36 phố phường, vậy Ban tổ chức làm thế nào để khách tham quan có một hình dung gần nhất về một không gian văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa?

- Mỗi phố nghề, làng nghề của kinh thành Thăng Long xưa hầu hết đều có gốc gác từ những làng nghề thủ công truyền thống trên khắp mọi miền đất nước, chẳng hạn những cư dân đầu tiên làm nên con phố Hàng Bạc chính là những nghệ nhân đến từ các làng chạm bạc nổi tiếng Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Bình Giang- Hải Dương), Định Công (HN), hay như phố Lò Rèn được hình thành bởi những người dân làng Hòe Thị (Từ Liêm- HN) và làng Đa Sỹ (Hà Đông)…
Chính vì vậy, việc tạo dựng mô hình 36 phố phường xưa sẽ có sựï tham gia của hàng chục làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng (HN), gốm Chu Đậu (Hải Dương), lụa Vạn Phúc (Hà Tây), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)... Để tái hiện chân thực không gian văn hóa làng nghề phố nghề, tại tuần lễ này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và trò chơi dân gian như múa rối nước Đào Thục, chương trình hát xẩm chợ, hát chèo, hát quan họ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc…
- Chọn Thành cổ HN làm địa điểm tổ chức Tuần lễ Du lịch làng nghề, phố nghề HN 2008, hẳn BTC đã rất kỳ vọng về sức thu hút của sự kiện này đối với du khách trong và ngoài nước?
- Chúng tôi chọn Thành cổ HN vì đây là địa điểm nằm trong quần thể di tích Ba Đình vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đồng thời là một địa chỉ văn hóa rất hấp dẫn với du khách. Hơn nữa, Thành cổ HN với những dấu ấn rõ nét của kinh thành Thăng Long phồn thịnh hàng ngàn năm trước sẽ rất phù hợp với mục tiêu mà sự kiện này đặt ra là tái hiện không gian văn hóa làng nghề, phố nghề Thăng Long xưa.
Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã làm việc với các công ty du lịch đóng trên địa bàn. Đặc biệt, công ty du lịch thuộc Tổng Công ty Thương mại HN đã đưa sự kiện này vào các tour của công ty, như vậy sẽ có các công ty lữ hành quốc tế đưa du khách vào.
- Khu di tích Thành cổ có dày đặc các di tích cần được bảo vệ, lại nằm gần Bộ Quốc phòng, vậy tổ chức một sự kiện lớn, dự kiến sẽ có hàng ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước liệu có gặp khó khăn?
- Vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý, cũng tại địa chỉ này, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện “Sắc xuân Thành cổ” với quy mô trưng bày khá lớn thu hút đông đảo khách tham quan. Thành công đó giúp chúng tôi tiếp tục tổ chức sự kiện Tuần lễ Du lịch làng nghề, phố nghề HN. Hiện chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo cho sự kiện diễn ra thuận lợi, cụ thể là sẽ nghiên cứu, tổ chức sắp xếp để việc treo các băng rôn, cờ hoa trang trí cũng như việc đỗ xe, đi lại của khách tham quan mà không làm cản trở đến công tác bảo vệ trật tự trị an của khu vực này.
Các sự kiện chính trong Tuần lễ Du lịch làng nghề, phố nghề Hà Nội |
BÍCH QUYÊN