Cứ mỗi năm, đến dịp tết, khu vực vỉa hè trước Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp với hoạt động “bán” chữ của các ông đồ. Tuy nhiên, năm nay, “phố ông đồ” không còn nữa khiến nhiều người thường xuyên đi qua khu vực này cũng cảm thấy đôi chút nao nao. Ngày 22-1, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội xung quanh sự việc này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhiều người cho rằng “phố ông đồ” năm nay không tiếp tục hoạt động là do có sự can thiệp của Sở VH-TT-DL Hà Nội?
>> Ông TRƯƠNG MINH TIẾN: Từ nhiều năm nay, tại khu vực vỉa hè bên ngoài tường rào khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám xuất hiện một số cá nhân tự ý căng mái bạt trên vỉa hè để viết thư pháp trong dịp Tết Nguyên đán từ đó hình thành nên tên phố ông đồ. Hoạt động này đã phần nào đáp ứng nhu cầu xin chữ đầu năm của đông đảo nhân dân. Đây cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt cần được bảo tồn và phát huy.
Tuy nhiên, do việc cho và xin chữ của khu vực này là tự phát vì thế đã xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn để xin chữ vào giờ cao điểm, mua bán chữ với giá cao, không đảm bảo chất lượng vì hiện chưa có cơ quan nào thẩm định và công nhận trình độ viết thư pháp của các cá nhân đang hoạt động ở đây. Thêm nữa, hoạt động của các ông đồ cũng kéo theo hàng loạt các dịch vụ phát sinh gây rối ở khu vực như bán hàng rong, trông giữ xe trái phép, hàng quán ăn uống…
Vì thế, dựa trên nhu cầu của người dân cũng như đề nghị của quận Đống Đa - Hà Nội, năm nay, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã tham gia vào việc chấn chỉnh, quản lý hoạt động “phố ông đồ” tại phố Văn Miếu.
- Ban tổ chức cũng soạn thảo tiêu chí đối với những người tham dự hoạt động viết thư pháp tại đây?
Đúng vậy. Trước đây, chỉ những người có tài cao đức trọng mới dám “cho” chữ. Nhưng nay, lợi dụng tâm lý “chơi” chữ và “xin” chữ đầu xuân, nhiều người vì ham lời, chỉ biết dăm ba con chữ nhưng cũng làm liều đi viết chữ kiếm tiền. Vì vậy, năm nay, Câu lạc bộ thư pháp UNESCO sẽ đứng ra để thẩm định trình độ của các “thầy đồ” trước khi ban tổ chức cấp thẻ cho họ. Năm nay, ban tổ chức cũng đưa ra thang bảng giá tiêu chuẩn để người dân cũng dựa vào đó để “xin” chữ, tránh trường hợp “hét” giá, nâng giá nhằm trục lợi của một số người.
- Việc không cho “phố ông đồ” tồn tại ở khu vực vỉa hè cũ mà quy hoạch vào phía trong hồ Văn, vị trí hơi biệt lập với diện tích giới hạn 36 gian, như vậy sẽ hạn chế sự tham gia của các ông đồ?
Hồ Văn là khu vực cách vị trí “phố ông đồ” cũ không xa và cũng nằm trong khu vực đất của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đáp ứng nhiều tiêu chí về trật tự đô thị, cảnh quan, cũng như an ninh trật tự. Số lượng 36 gian đưa ra chỉ là gian tiêu chuẩn. Với trường hợp những ông đồ ở xa vẫn muốn về để tham dự hoạt động này nếu xét thấy đủ đức, tài, ban tổ chức sẽ sắp xếp linh hoạt. Nếu số lượng “ông đồ” quá đông thì có thể áp dụng phương pháp ngày chẵn, ngày lẻ để mọi người đều được luân phiên tham gia.
- Vậy làm thế nào để hạn chế được sự xuất hiện của một số hương án, giấy điều tại vỉa hè khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, của những “ông đồ” chưa được cấp phép?
Đây là năm đầu tiên tổ chức “phố ông đồ”, vì thế việc cấp thẻ cho những “ông đồ” tham gia hoạt động này sẽ được tiến hành nhanh, gọn, không giới hạn thời gian. Còn những người vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè, gây mất trật tự khu vực sẽ được giao cho lực lượng chức năng ở địa phương.
MAI AN (thực hiện)