Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết, năm học này thanh tra giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra ở tất cả các cấp học để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong giáo dục.
Bất cập lực lượng thanh tra
Đối với giáo dục mầm non sẽ tập trung thanh tra việc thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; việc chuyển đổi trường mầm non ngoài công lập sang công lập; việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015; thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em... Đối với giáo dục phổ thông, thanh tra sẽ tập trung thanh tra việc triển khai Đề án tiếng Anh trong giáo dục phổ thông; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; triển khai xây dựng và phát triển trường THPT chuyên, dạy học có yếu tố nước ngoài; quy định về tuyển sinh, quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh...
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, đại học, sẽ thanh tra việc thực hiện cam kết thành lập trường; mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài; việc thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện quy định về chỉ tiêu tuyển sinh; việc kiểm định chất lượng giáo dục…
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn hiện nay của hoạt động thanh tra giáo dục. Trong đó nổi lên là vấn đề lực lượng thanh tra còn mỏng. Nhiều địa phương cho biết, nếu vẫn duy trì cách thanh tra theo định mức như hiện nay thì mất tới 30 - 40 năm để quay lại thanh tra một đơn vị.
Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Quảng Ninh Lê Viết Thành cho biết, tỷ lệ cơ sở được thanh tra toàn diện một năm học chỉ đạt khoảng 2% và sau hơn 45 năm mới thanh tra hết một lượt các cơ sở giáo dục hiện có (chưa tính các cơ sở nhóm, lớp của cấp mầm non). Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thanh tra còn hạn chế, nhất là trong thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học…
Xử lý vi phạm chưa nghiêm
Thực tế từ các địa phương cũng cho thấy, dạy thêm, học thêm và lạm thu là những vấn đề mà người dân rất bức xúc, nhất là lạm thu vào đầu năm học. Báo chí phản ánh nhiều, chỉ rõ nhiều địa chỉ cụ thể nhưng hiệu quả thanh tra của các địa phương là rất hạn chế.
Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, thừa nhận, nhiều cơ sở giáo dục bậc tiểu học còn dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Một số hoạt động liên kết với các trung tâm dạy tiếng Anh tại trường ngoài giờ học chính khóa, luyện chữ trái quy định, chưa quản lý tốt nguồn kinh phí đóng góp của học sinh, thu chưa đúng công văn chỉ đạo. Một số trường được thanh tra chưa thực hiện đúng hướng dẫn về huy động các khoản đóng góp tự nguyện, đã để xảy ra việc ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp thu các khoản đóng góp tự nguyện theo hình thức bổ đầu và thu trái quy định. Giáo viên còn có biểu hiện đối xử không công bằng với học sinh không học thêm.
Hay tại Nam Định, dù đã nỗ lực tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi tài chính nhưng theo bà Bùi Thị Thu, Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Nam Định, việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa phân hóa học sinh mà dạy tràn lan, một số đơn vị các khoản thu tự nguyện và việc vận động đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất còn bình quân, chưa đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, chưa thực hiện đúng quy định.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu của nhiều người học. Bộ GD-ĐT cũng không cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm, nhưng yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt. Kinh nghiệm của Nam Định và nhiều nơi cho thấy, nếu tổ chức tốt việc dạy thêm, học thêm ở trường thì sẽ không bùng nổ dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường với chất lượng khó kiểm soát. Tuy nhiên, như thừa nhận của Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc, do thủ tục kiểm tra cấp giấy phép dạy thêm, học thêm ở một số sở và phòng GD-ĐT chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh nên vẫn để xảy ra hiện tượng dạy thêm, học thêm lộn xộn ngoài nhà trường khiến dư luận bức xúc. Một số cơ sở có hiện tượng vi phạm (không giấy phép, cơ sở vật chất không đáp ứng theo quy định) đã được cơ quan quản lý giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, dù nỗ lực nhưng xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”.
Thống kê Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm học 2012 - 2013, có trên 1.000 lượt thanh kiểm tra dạy thêm, học thêm ở nhiều địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng... nhưng các tổ chức, cá nhân vi phạm chỉ bị phạt 11 triệu đồng.
Vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh ở Trường Tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) rất bức xúc khi hội phụ huynh cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh với giá cao. Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo phải dừng việc may mẫu đồng phục này. |
LÂM NGUYÊN