Sáng 11-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về ngân sách 2016. Bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với báo chí về vấn đề thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.
* Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến bức xúc vì tình trạng lãng phí xe công. Lần này nghị quyết của Quốc hội nêu rõ từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh, liệu có thực hiện được?
* Ông PHÙNG QUỐC HIỂN: Theo tôi, ta phải phân loại đối với các loại xe công: xe mang tính chất công cộng, mang tính phục vụ. Như xe của lực lượng công an, quân đội hay xe cứu thương, xe chở rác không thể khoán được vì mang tính phục vụ cộng đồng dân cư. Còn khoán chủ yếu là xe cho chức danh lãnh đạo thì sẽ phải tính toán. Nếu có khoán phải tính từ hệ số 1,3 trở xuống và cũng phải tính từng bước. Hệ số 1,25 hoặc 1,3 thì sẽ tính toán, thực ra số lượng này không nhiều lắm. Một tỉnh chẳng hạn, thì chỉ có 3 chức danh; một bộ chỉ có một số đồng chí thứ trưởng, tổng cục trưởng loại 1 thì mới được đi xe. Số lượng đó ít, không nhiều. Chi phí xe công theo tôi phần lớn lại ở xe phục vụ, chứ xe công dành cho các chức danh không nhiều. Nhưng tôi cho rằng cần thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh thật nghiêm, để tất cả các đồng chí lãnh đạo góp phần vào thực hành tiết kiệm. Đó cũng là mong mỏi của dân về việc các chức danh lãnh đạo là tấm gương cho chúng ta phải thực hiện tốt, góp phần sử dụng đồng tiền ngân sách hợp lý.
* Thực ra vấn đề thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh đã từng được đặt ra, nhưng nếu không có chương trình cụ thể thì thực hiện sẽ khó?
* Chính phủ chắc chắn sẽ thực hiện vì Quốc hội, Chính phủ cũng đã xác định cơ cấu lại thu chi, nhất là chi thường xuyên. Chính phủ đã có đề án khoán xe công rồi. Lần này tôi tin có nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện. Trước đây chúng ta bàn mà chưa có nghị quyết Quốc hội. Đây là lần đầu tiên có nghị quyết Quốc hội nêu về vấn đề này.
* Theo ông, vì sao khoán xe công ít người xung phong thực hiện?
* Ta phải hiểu câu chuyện tại sao cần phải có xe công. Là bởi những chức danh đó khi làm việc, do khối lượng công việc cần xử lý cũng như yêu cầu bảo đảm an toàn. Như tôi nói số lượng xe công cho các chức danh cũng không nhiều. Nếu đặt chủ trương khoán xe công đồng loạt, thành chính sách chung thì đương nhiên phải thực hiện. Còn nếu chỉ khuyến khích, để tự xung phong thì khó thực hiện hơn. Vì cùng là một chức danh đến một chỗ làm việc chẳng hạn, đồng chí này đi xe, đồng chí kia đi taxi, đồng chí khác lại đi xe ôm, trông không được quy chuẩn lắm. Đó là cảm quan chung. Tất nhiên cái đó cũng là một phần thôi. Tôi ví dụ trước đây có chủ trương này, ở Văn phòng Quốc hội có ông Trần Quốc Thuận thực hiện, đi xe ôm, nhưng cũng chỉ đi được 1 tháng là quay trở về bình thường, vì tự nhiên thấy không đúng quy chuẩn. Vì vậy, để thực hiện, phải nêu tiêu chuẩn đến đâu được đi xe công, còn lại đã khoán là phải thực hiện khoán thì mọi người sẽ như nhau.
* Về việc sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp, nhiều đại biểu đã lo số tiền này sẽ bị chi không đúng trọng tâm?
* Quá trình cổ phần hóa, chúng ta thực hiện nhiệm vụ thoái vốn của Nhà nước ra khỏi DNNN để nhà nước chỉ còn đầu tư vào một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đó là cần thiết. Số tiền đó khi sử dụng chỉ dành cho đầu tư phát triển. Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rất rõ, trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển. Như vậy, nghị quyết lặp đi lặp lại yêu cầu chi cho đầu tư phát triển chứ không dành cho việc khác.
* Cảm ơn ông!
LÂM NGUYÊN (ghi)