Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành chăn nuôi |
Ngày 28-12 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành chăn nuôi.
Đến thời điểm này, chăn nuôi ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Hiện cả nước có tổng đàn heo khoảng 28,6 triệu con, (tăng 3,2%); đàn gia cầm khoảng 531 triệu con (tăng 1,4%); đàn bò khoảng 6,53 triệu con (tăng 1,9%); sản lượng thịt hơi đạt khoảng 7,05 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2021)…
Tuy nhiên theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), vấn đề khó khăn nhất của chúng ta là không chủ động và đảm bảo đủ nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước mà phải nhập khẩu.
Thị trường thức ăn chăn nuôi đang phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu |
Do phụ thuộc nhập khẩu với nhiều biến động về giá cả, chi phí vận tải nên giá thành chăn nuôi cao (chiếm khoảng 70% chi phí là thức ăn chăn nuôi), có thể khó khăn hơn nếu đứt gãy chuỗi cung ứng. “Về nguyên liệu đầu vào để làm thức ăn chăn nuôi như: ngô (bắp), khô dầu đậu tương… trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30-35%”, ông Thắng nói.
Do đó, giải pháp là cần rà soát lại từng đối tượng vật nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng việc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để triển khai các mô hình liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nông dân tham quan một mô hình chủ động chuyển đổi sang trồng ngô (bắp) làm thức ăn chăn nuôi |
“Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi cùng các đơn vị của Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với một số tập đoàn triển khai mô hình liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, làm viêc với một số địa phương có lợi thế khác để phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, từng bước chủ động nguyên liệu trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu”, ông Thắng phát biểu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu |
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị cùng với đảm bảo đủ thực phẩm cho thị trường trong nước, cần hướng tới thúc đẩy xuất khẩu bởi tiềm năng là rất lớn. Hiện ngành chăn nuôi mới chỉ có một vài sản phẩm đủ để xuất khẩu như: tổ yến sang Trung Quốc, thịt gà sang Nhật Bản, thịt heo và heo sữa sang Hồng Kông (Trung Quốc), thịt heo mảnh sang Hàn Quốc.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, tạo được thị trường rộng mở thì đó là động lực để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện nay và hướng tới tăng trưởng.
Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, Việt Nam đã chi gần 10 tỷ USD để nhập. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam ước nhập khoảng 8,9 tỷ USD thức ăn gia súc, gia cầm và nguyên liệu các loại.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11-12% thì trong vòng 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 28-30 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Dự báo trong thời gian tới, nếu không tự chủ được nguồn trong nước, trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập tới 12-13 tỷ USD nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.