Levi’s giảm giá 30% cho các mặt hàng, Tommy Hilfiger tặng phiếu mua hàng giảm giá 30%, Calvin Klein cũng vừa có đợt giảm giá đến 40% các sản phẩm thời trang của hãng (kết thúc ngày 19-5)… Mặc dù lúc này không phải mùa giảm giá tại Mỹ, nhưng các cửa hàng thời trang ở New York đâu đâu cũng xuất hiện biển hạ giá. Các shop thời trang online cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Nhớ lúc trước năm 2008, chỉ cần thấy bảng giảm giá thế này, nhất định phải chui vào cửa hàng xách ra vài món mới thỏa mãn. Chẳng cần biết mình có bao nhiêu cái quần, cái áo, nhu cầu có hay không, cứ thấy món gì nhìn bắt mắt, hợp với style là phải lượm liền. Không lúc này thì lúc khác dùng, hàng giảm giá mà. Tội gì! Nhưng giờ thì…
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính rồi giá cả tất cả mọi thứ đều tăng đến chóng mặt, suy nghĩ cứ mua đi, rồi có dịp sẽ dùng tự nhiên biến mất. Bây giờ muốn mua một cái gì đó cũng phải “cân lên, đặt xuống”, cân nhắc tới lui. Thật sự tôi đang cần mua vài cái quần bởi những cái đang mặc cũng cũ hết rồi. Nhưng… tiền thuê nhà tháng này đang rục rịch tăng, tiền điện, tiền học phí đến hạn sắp phải đóng đã ngăn không cho tôi bước vào cửa hiệu của Levi’s.
Trước đây, với số tiền bố mẹ gửi sang cộng với tiền đi làm thêm, chẳng phải đau đầu với các khoản chi tiêu. Giờ đây, cũng từng đấy tiền, sao thấy “thiếu trước hụt sau” thế không biết. Mặc dù đã thôi hẳn cái khoản “thấy gì thích là mua” rồi đấy nhé!
Nhưng tâm sự với bạn bè mới thấy “nỗi lòng không của riêng ai”. Hai cô bạn thân người Mỹ có đam mê về túi xách, có thể nói là “ăn” túi xách, “ngủ” túi xách. Tiết kiệm vài tháng, để chờ dịp hạ giá là sẵn sàng xếp hàng cả ngày mua cho được các sản phẩm của Louis Vuitton, Gucci… lên đến hàng ngàn USD. Tưởng chẳng có gì có thể làm thay đổi niềm đam mê của hai cô, vậy mà cũng bị khuất phục bởi bão giá. Thậm chí, một cô đã từng phải bán đi một trong những chiếc túi yêu thích để trang trải cho những chi phí thiết yếu hơn.
Đúng là không muốn thay đổi thói quen cũng khó khi mà giá các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống đều tăng. Vừa qua, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số CPI tại Mỹ tháng 4-2011 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất tính từ nửa sau năm 2008. Giá thực phẩm và xăng tăng là 2 yếu tố quan trọng khiến lạm phát của Mỹ tăng. Nghe đến đó mà ù tai, chóng mặt.
Người dân Mỹ nổi tiếng từ trước tới nay bởi thói quen mạnh tay tiêu xài. Vậy mà trên báo chí và các phương tiện truyền thông hiện nay xuất hiện rất nhiều bài viết hướng dẫn người dân thực hành tiết kiệm. Các bài kiểu “Làm thế nào để tiết kiệm 1.000 USD rau xanh một năm”, “7 cách tiết kiệm thực phẩm cho gia đình bạn” giờ đây không còn hiếm trên các mặt báo. Đúng là thời thế thay đổi thật!
Các diễn đàn bây giờ cũng ngập tràn những trao đổi về bão giá, tiêu dùng. Ai cũng kêu thời buổi khó khăn, tính toán chi tiêu khó quá. Trong một biển ta thán, có một ý kiến khá thú vị. Một người nặc danh, ở Texas, bày tỏ: đúng là khổ thật khi sống trong thời bão giá, nhưng đó lại là một điều tốt cho Trái đất. Càng bớt tiêu dùng, đi lại, Trái đất càng bớt bị tàn phá, ô nhiễm. Ngẫm ra, cũng thấy đúng nhỉ!
MINH HẢI