Sĩ quan được xét thăng quân hàm cao hơn một bậc do cấp có thẩm quyền quyết định

(SGGPO).- Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng nay 9-9. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

(SGGPO).- Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng nay 9-9. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án luật được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày tại phiên họp, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung được bố cục thành 2 điều, trong đó Điều 1 quy định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại 3 điều của Luật hiện hành. Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
 
Trong đó, Khoản 3 của Điều 1 là một nội dung mới. Theo đó, các chức vụ có cấp bậc quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân và Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân thuộc đơn vị thành lập mới do Thủ tướng Chính phủ quy định, để đáp ứng kịp thời sự phát triển lực lượng quân đội và thuận tiện cho việc triển khai thực hiện (các chức vụ hiện nay có cấp bậc quân hàm là cấp tướng đã được quy định cụ thể trong luật).
 
Một quy định mới khác: “Sĩ quan được xét thăng quân hàm cao hơn một bậc, do cấp có thẩm quyền quyết định”. Chính phủ cho rằng quy định như vậy để phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, giữ gìn, sử dụng những sĩ quan xuất sắc, có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, đồng thời thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào đội ngũ sĩ quan.
 
Dự thảo luật cũng đã bỏ nội dung quy định sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng hoặc sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt và có quá trình cống hiến xuất sắc được thăng quân hàm cao hơn một bậc. Lý do là việc xác định “địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng và đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt” khó thực hiện, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan; mặt khác luật hiện hành đã điều chỉnh cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ Lữ đoàn trưởng lên Đại tá, Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện lên Thượng tá, Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn lên Trung tá, vì vậy việc bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật hiện hành là phù hợp.
 
Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (khai mạc tháng 10 tới) và thông qua tại kỳ họp tiếp theo.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục