Hàng triệu du khách hàng năm đến tham quan các di tích cổ của Angkor Wat, tỉnh Siem Reap, Campuchia đã giúp biến đổi nơi đây từ một ngôi làng nhỏ thành một thành phố phát triển mạnh với cuộc sống nhộn nhịp về đêm.
Tác giả Thomas Muller trên tờ New York Times viết: Sự bùng nổ của ngành công nghiệp du lịch ở đây với 10.000 phòng khách sạn cũng đã làm thay đổi nhiều thứ khác. Siem Reap, cách đây độ chục năm không có trường đại học, giờ đây trở thành trung tâm lớn thứ hai của Campuchia về giáo dục đại học, sau thủ đô Phnom Penh.
Con cái của nông dân nghèo khó tìm đến đây để làm hướng dẫn viên du lịch, tiếp tân, pha chế rượu... Ngoài giờ làm việc, họ đến lớp học về tài chính, tiếng Anh và kế toán. Anh Hem Sophoan, 31 tuổi, hướng dẫn viên du lịch hiện đang học bằng thạc sĩ thứ hai nói: “Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng tôi có thể đến trường đại học. Giờ đây, có rất nhiều thay đổi và nhiều cơ hội cho giới trẻ”. 5 trường đại học tư thục ở đây đã góp phần biến đổi lực lượng lao động tại Campuchia, một trong những nước nghèo nhất châu Á vẫn còn chịu nhiều hậu quả của chế độ diệt chủng của Khmer đỏ. Những nơi sử dụng lao động ở đây cho biết, trình độ tiếng Anh của lực lượng lao động không chỉ ở Siem Reap mà cả nước Campuchia ngày càng được nâng cao. Một thế hệ học sinh đang có nhiều điều kiện để theo đuổi ước mơ của mình ở những trường đại học và sau đại học.
Khim Borin, 26 tuổi, xuất thân từ gia đình nghèo, trước khi trở thành hướng dẫn viên du lịch, anh đã trải qua các công việc như lắp ráp máy lạnh, nhân viên massage và pha chế rượu. Thế nhưng, ước mơ của anh chưa dừng lại. Ban ngày làm hướng dẫn viên du lịch, tối đến Borin lại cắp sách đến trường theo học khoa luật. Anh muốn trở thành một luật sư.
Tuy nhiên, đó cũng là một thử thách khi vào mùa du lịch cao điểm anh phải làm việc quá vất vả vào ban ngày. Để chống chọi với cơn buồn ngủ trong lớp, anh đã phải dặn bạn đánh thức mỗi khi anh ngủ gật. Nói về cuộc đời mình, anh tóm gọn trong một câu: “Khó khăn nhưng hạnh phúc”. 5 trường đại học ở Siem Reap hiện đang có tổng cộng khoảng 10.000 sinh viên.
Liên hiệp quốc và các tổ chức viện trợ nước ngoài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Campuchia tái thiết đất nước sau khi Campuchia được giải phóng khỏi thảm họa diệt chủng Khmer đỏ, nhưng họ không có một kế hoạch cụ thể về giáo dục đại học. Các trường đại học tại đây mở ra xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm hiện thực hóa giấc mơ của tuổi trẻ Campuchia với giờ giấc rất linh hoạt phục vụ cho đối tượng vừa học vừa làm. Ông Rous Bunthy, Phó Giám đốc Trường Đại học Đông Nam Á nói: “Họ đến đây trước tiên để tìm việc, sau đó tìm tới trường đại học”. Trường này thành lập vào năm 2006 đến nay đã có 2.300 sinh viên theo học.
Hầu hết các sinh viên tự trả học phí hàng năm khoảng 400 USD, chỉ một số ít được cha mẹ giúp. Sinh viên may mắn hơn thì nhận được tài trợ từ nước ngoài. Hầu hết các trường đại học tại đây chưa có lãi, song, nói như ông Rous Bunthy, “họ đang hạnh phúc bởi vì họ đang giúp đỡ mọi người”. Đa số đại học ở đây được các tập đoàn kinh tế tài trợ, để đạt chất lượng giáo dục cao còn nhiều điều phải làm, nhưng theo chị Chan Sreyroth, quản lý tại một công ty sở hữu nhà hàng ở Siem Reap, chị nhận thấy một sự khác biệt lớn trong nhân viên của mình sau khi học tại các trường đại học. “Biết cách biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Họ trở nên tự tin hơn”, chị nói.
KHÁNH MINH