Nghị định số 79 của Chính phủ vừa ban hành có thể xem là một bước tiến lớn trong lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu… Tại đây, trách nhiệm, quyền lợi của các nghệ sĩ, người mẫu, nhà tổ chức biểu diễn cũng như đơn vị có địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn cũng được quy định rất rõ ràng. Ngày 11-9, ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Hát nhép sẽ không còn đất sống...
- PV: Cấm hát nhép đã được các nhà quản lý nghệ thuật nhắc tới nhiều lần, song trong một số trường hợp truyền hình trực tiếp nhà đài với lý do để đảm bảo độ an toàn cho các chương trình truyền hình trực tiếp vẫn yêu cầu các ca sĩ hát nhép? Hiện tượng này có được điều chỉnh trong nghị định mới?
Ông PHẠM ĐÌNH THẮNG: Từ trước đến nay, các đài phát thanh, truyền hình luôn cho rằng họ chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí. Tuy nhiên, trong nghị định đã xác định, các chương trình văn hóa nghệ thuật trên sóng vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 79. Theo đó, có thể khẳng định không có lãnh địa riêng cho hát nhép. Truyền hình, phát thanh cũng phải chấp hành, kể cả trực tiếp hay không trực tiếp, nếu hành vi hát nhép bị phát hiện sẽ bị phạt.
Cũng phải nói rõ thêm, nếu trước đây, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi người mẫu trên đài phát thanh, truyền hình đều không phải xin giấy phép biểu diễn thì nay, theo nghị định mới, những cuộc thi có tính chất cấp quốc gia như VietNam Next top Model - Tìm kiếm người mẫu Việt Nam hay The Voice - Giọng hát Việt, Đồ Rê Mí… đều phải xin cấp giấy phép của Cục NTBD.
- Việc tăng gấp đôi số lượng cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia từ 1 lên 2 cuộc thi/năm liệu có phải do tình trạng “khó khăn” trong việc lựa chọn người đẹp đại diện cho Việt Nam tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế?
Mỗi năm trên thế giới có hai cuộc thi nhan sắc lớn là Hoa hậu thế giới và Hoa hậu hoàn vũ. Cũng như nhiều nước khác, các cuộc thi sắc đẹp trong nước được tổ chức đều hướng tới việc tìm ra người đại diện để tham dự các cuộc thi này. Dựa trên kiến nghị của các đơn vị tổ chức thi hoa hậu cũng như nguyện vọng của giới trẻ về việc tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế chúng tôi đã đề nghị điều chỉnh tăng số lượng cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia lên cho phù hợp. Thi hoa hậu là hoạt động văn hóa, giải trí và được tổ chức dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa, nếu đơn vị nào có đủ năng lực và nguyện vọng thì xin đăng ký tổ chức chứ không nhất thiết phải tổ chức đủ mỗi năm 2 cuộc thi hoa hậu.
- Một tranh cãi tốn khá nhiều giấy mực của báo chí trước đây là quy định về quyền tác giả. Tuy nhiên, trong nghị định mới, nhà tổ chức vẫn không phải chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ về tác quyền, xin ông giải thích rõ hơn về điểm này?
Nghị định đã cân nhắc rất nhiều về vấn đề tác quyền. Mỗi chương trình biểu diễn liên quan tới nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ hát, múa, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… Vì thế, nếu chỉ quy định về tác quyền âm nhạc thì những quyền kia thế nào? Hiện chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ rồi, vậy các tổ chức cá nhân phải thực hiện theo luật chứ, nếu làm sai luật thì người chủ sở hữu hoàn toàn có quyền kiện anh ra tòa. Mặc dù vậy, nghị định lần này cũng đã quy định rõ việc cấm các đơn vị, tổ chức cá nhân vi phạm các quy định của tác giả và quyền liên quan. Thêm nữa, trong mẫu đơn xin phép tổ chức biểu diễn cũng quy định rõ các đơn vị phải cam kết thực hiện quyền tác giả.
Không nới tay việc quản lý, cấp phép
- Trong nghị định mới không hề đề cập tới việc các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang phải xin giấy tiếp nhận biểu diễn của Sở VH-TT-DL tại địa phương nơi chương trình diễn ra. Liệu có phải đó là biểu hiện sự “nới tay” trong việc quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật vốn đang rất lộn xộn này?
Theo nghị định mới, giấy phép biểu diễn của các chương trình dù là Sở VH-TT-DL hay Cục NTBD cấp thì đều có giá trị trên toàn quốc. Vì thế, một khi chương trình đã có được giấy phép thì sẽ được quyền biểu diễn ở các tỉnh thành mà không cần phải xin giấy tiếp nhận biểu diễn như trước. Tuy nhiên, các chương trình đã được cấp phép buộc phải thông báo cho Sở VH-TT-DL nơi chương trình sẽ tổ chức kèm theo giấy phép biểu diễn về nội dung, thời gian, địa điểm của chương trình 5 ngày trước buổi diễn.
- Vậy địa phương không có quyền từ chối không cho tổ chức chương trình?
Sở VH-TT-DL có quyền từ chối. Trong vòng 5 ngày nhận được thông báo, nếu thấy chương trình đó không hội đủ các tiêu chí về chất lượng nội dung, không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương thì sở có quyền từ chối nhưng phải ra văn bản từ chối, chỉ rõ nguyên nhân. Ngược lại, nếu đã được thông báo về chương trình mà sở không có ý kiến nhưng sau đó chương trình lại phát hiện ra có sai phạm thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về sở. Hiện các quyền lợi cũng như trách nhiệm của đơn vị quản lý biểu diễn nghệ thuật tại địa phương đang được soạn thảo rất kỹ lưỡng trong thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành sắp tới.
Về hình thức xử phạt, tới đây, chúng tôi cũng đề nghị bên cạnh việc tăng nặng mức phạt bằng tiền thì Cục NTBD cũng đề nghị thêm nhiều hình thức phạt bổ sung nhằm tăng sức răn đe như cấm biểu diễn có thời hạn từ 1 đến 6 tháng thậm chí lâu hơn với từng trường hợp, hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn.
Vĩnh Xuân (thực hiện)