Siết chặt nông sản nhập ngoại

Tại hội nghị về thực trạng quản lý hoạt động bảo vệ thực vật và kiểm dịch nông sản xuất nhập khẩu tại Việt Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 29-1, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, Việt Nam đang triển khai những giải pháp kỹ thuật mạnh để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là kiểm tra chặt các loại nông sản nhập khẩu.

(SGGP).- Tại hội nghị về thực trạng quản lý hoạt động bảo vệ thực vật và kiểm dịch nông sản xuất nhập khẩu tại Việt Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 29-1, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, Việt Nam đang triển khai những giải pháp kỹ thuật mạnh để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là kiểm tra chặt các loại nông sản nhập khẩu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2014, lượng hàng hóa nông sản xuất và nhập khẩu được kiểm dịch tăng mạnh so với các năm trước đó, đạt 166%. Các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh và Việt Nam đã đạt thành tích cao về xuất siêu trái cây ra các nước.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, ngành bảo vệ thực vật đã chỉ đạo tạo mọi cơ chế thông thoáng về thủ tục và chính sách trong kiểm dịch theo chủ trương của Chính phủ song cũng thực hiện nghiêm việc kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu để giữ uy tín, giữ vững thị trường xuất khẩu hàng nông sản. Do vậy hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của nước nhập khẩu. Trong năm 2014, đã có nhiều nước mở cửa đối với thị trường trái cây - nông sản Việt Nam. Hoa Kỳ đã chính thức cho phép nhập khẩu nhãn, vải tươi Việt Nam. Hàn Quốc hiện cũng đang hoàn tất điều kiện nhập khẩu xoài của Việt Nam và tiếp tục xem xét cho phép nhập khẩu vú sữa. Các thị trường khác như Nhật Bản, Đài Loan, New Zealand... Việt Nam cũng đang nỗ lực đàm phán về biện pháp xử lý hơi nước nóng để xử lý ruồi đục quả trên xoài, thanh long...

Ngược lại, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong 3 năm qua, ngành kiểm dịch và bảo vệ thực vật đã tổ chức tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các nguồn hàng nông sản nhập về Việt Nam. Trong tổng số 21 triệu tấn hàng hóa nông sản nhập ngoại trong năm 2014, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu đã kiểm tra theo mẫu của 46.719 lô hàng (tương đương 4,1 triệu tấn) và chỉ phát hiện 34 hoạt chất có trong nông sản, nhưng trong đó chỉ có 5 mẫu vi phạm trên tổng số 950 mẫu được kiểm tra. Những số liệu này đều giảm đáng kể so với các năm 2013 và 2012.

Đối với nguy cơ dịch hại, trong 3 năm qua, hàng nông sản nhập từ các nước có nguy cơ cao đã được áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, bao gồm cả yêu cầu xử lý kiểm dịch hàng hóa trước khi xuất sang Việt Nam, do vậy số lô hàng vi phạm về dịch hại cũng giảm mạnh so với các năm trước đó. Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, sở dĩ tỷ lệ phát hiện vi phạm giảm mạnh vì sau khi Việt Nam “quản” chặt nguồn hàng nhập khẩu, không chỉ doanh nghiệp mà các nước có nông sản cũng đã nâng cao hơn việc thực hiện và tuân thủ về yêu cầu an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu.

Liên quan tới nguy cơ một số sản phẩm táo Mỹ được phát hiện nhiễm khuẩn có thể tràn vào thị trường Việt Nam thông qua nhập khẩu, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện vẫn đang trong quá trình tiếp tục rà soát và cơ quan kiểm dịch đã thu thập các mẫu táo Mỹ để “test”. Sau sự cố về táo Mỹ và việc Việt Nam tạm dừng nhập khẩu táo, trái cây của Australia, ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định các sự cố này sẽ không hề gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả thị trường trái cây tại Việt Nam bởi Việt Nam đang nhập khẩu trái cây từ nhiều quốc gia khác nhau, và nguồn cung cấp trong nước cũng rất dồi dào bởi chúng ta chủ yếu xuất khẩu trái cây còn nhập khẩu chiếm không nhiều. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây nông sản là 1,477 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu rau quả chỉ khoảng 521 triệu USD. Ông Nguyễn Xuân Hồng cũng khẳng định các loại táo nhập khẩu về từ Trung Quốc đều đảm bảo an toàn, không phát hiện có sự cố.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục