Đến thời điểm Nghị định 109 của Thủ tướng về xuất khẩu gạo có hiệu lực, 1-10-2011 (chỉ những DN có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như: kho chứa ít nhất 5.000 tấn, nhà máy xay xát 10 tấn/giờ, máy sấy và lượng gạo dự trữ lưu thông), Bộ Công thương đã cấp 107 giấy chứng nhận, chưa kể 5 thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Trong đó có 68 doanh nghiệp (DN) hội viên VFA, đáng chú ý có trên 10 DN chưa xuất khẩu gạo, mới thành lập hoặc bổ sung chức năng xuất khẩu gạo. Theo VFA, khá nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác (chứng khoán, bất động sản…) cũng tham gia! Nhưng con số Bộ Công thương xem xét và có đủ kiện cấp giấy chứng nhận hiện nay lên đến 125 DN.
Con số này thật sự gây bất ngờ và lúng túng đối với nhà quản lý. Giai đoạn đầu, khi chỉ có vài DN được cấp giấy chứng nhận, nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ mua lúa của dân. Trước đó, do đầu mối xuất khẩu gạo quá nhiều (9 tháng đầu năm 2011 có 211 DN tham gia xuất khẩu, năm 2010 có 264 DN), gây rối loạn thị trường. Trong khi Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ có 14-15 đầu mối xuất khẩu gạo, lúc nhiều nhất cũng chỉ 20 DN và thế giới chỉ có hơn 10 nhà nhập khẩu gạo.
Năm 2009, khi góp ý việc siết chặt đầu mối xuất khẩu gạo, phần lớn DN, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng kinh doanh xuất khẩu gạo nhất thiết phải có kho chứa, để mua lúa gạo của dân, vì vậy DN nào không có đủ điều kiện sẽ không được kinh doanh, cho dù DN thuê được kho bãi dài hạn.
Theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mêkông Cần Thơ, một khi đầu tư kho bãi, nhà máy chế biến là DN đã đủ năng lực kinh doanh và xuất khẩu gạo, không ai lại đi cho thuê. Việc cho thuê kho sẽ làm phức tạp thêm khó quản lý và kiểm soát. Và điều này hiện nay có vẻ đã cho thấy nhận định này là đúng. Bởi nhờ cho phép thuê kho nên con số được xét cấp sẽ chưa dừng lại ở 125 DN, trong khi theo dự kiến chỉ khoảng 70-80 DN được cấp phép xuất khẩu gạo.
Cuối năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cảnh báo việc các DN đua nhau đầu tư xây dựng kho để đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Nếu có hàng trăm DN đủ điều kiện này, lại sẽ xảy ra tình trạng dư thừa công suất chế biến, xay xát lúa gạo, dễ gây lãng phí. Càng nhiều DN tham gia xuất khẩu gạo càng chia nhỏ miếng bánh, lượng gạo xuất mỗi DN càng ít đi và càng tạo điều kiện để nhà nhập khẩu gạo thế giới (trên 10 tập đoàn) chi phối, chèn ép.
Như vậy, mục đích của NĐ109 là siết chặt đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng con số DN được cấp đã ở mức 125 DN và con số này chưa dừng ở đây. Phải chăng chủ trương siết nhưng làm chưa chặt, siết mà vẫn bung?
ĐĂNG LÃM