Với quyết tâm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kết hợp cùng các đơn vị liên quan liên tiếp xử phạt nhiều đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi thị trường có hơn 10.000 sản phẩm TPCN các loại và nhiều cách thức quảng cáo cũng rất tinh vi. Chưa kể, đã không ít cơ sở bị xử phạt nhưng vẫn… tiếp tục sai phạm!
Lờn thuốc!
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong tháng 10-2015, đơn vị này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt trên 751 triệu đồng. Cùng với đó là đã thu hồi hiệu lực 19 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hầu hết các công ty vi phạm đều liên quan đến TPCN với các hành vi như quảng cáo sai phép, ghi sai nhãn hàng hóa, quảng cáo thổi phồng công dụng…
Trong tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH SXTM và DV Tinh Tấn (quận Tân Bình, TPHCM) đã bị cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản xử lý hành vi nhập khẩu, bán ra thị trường lô sản phẩm TPCN viên Happygra có chứa chất Sildenafil (một hoạt chất có trong thuốc điều trị rối loạn cương dương) và kinh doanh lô sản phẩm này vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Một trường hợp khác là Công ty TNHH TM Lê Huyền Trang (Long Biên, Hà Nội), với việc quảng cáo các sản phẩm TPCN mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và bán sản phẩm TPCN viên nang Vita G2, Omega 3 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, đơn vị này cũng vừa bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt gần 34 triệu đồng…
“Điều đáng nói, có những cơ sở cùng một lúc có tới 2 - 3 hành vi vi phạm, thậm chí có trường hợp tái phạm nhiều lần”, một chuyên gia Bộ Y tế cho biết. Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường (210 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) cùng lúc có 3 hành vi vi phạm: Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; quảng cáo TPCN mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; sản xuất TPCN khi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực. Trước đó, Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường cũng đã từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt do thực hiện quảng cáo sản phẩm TPCN Uy Linh Phong và Cường lực Hồi xuân trên website baothanhduong.com.vn với nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh TPCN
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 216 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt 4 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đa số các hành vi vi phạm là về quảng cáo TPCN với 169 cơ sở vi phạm; ngoài ra là các vi phạm khác như ghi nhãn, chưa xác nhận công bố, điều kiện bảo quản…
Quyết liệt xử lý
Thực tế, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm quảng cáo TPCN ngày càng phổ biến, phức tạp trên các phương tiện truyền thông, phương tiện mạng xã hội và các trang tin điện tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn cả sức khỏe của họ nếu mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, gần đây bộ này cũng đã ráo riết kiểm tra, xử phạt một số đơn vị vi phạm, như đã xử phạt Báo Sức khỏe cộng đồng do quảng cáo sản phẩm TPCN Yuca TD không phù hợp nội dung được cơ quan thẩm quyền xác nhận; phạt Báo Đời sống và Pháp luật do quảng cáo TPCN An Thụy Khang không đúng nội dung đã được phê duyệt.
Trước thực trạng trên, nhằm chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” trong quảng cáo TPCN, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8742 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Khoa học - Công nghệ, Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định. “Mục tiêu là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh TPCN đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng”, chỉ đạo của Phó Thủ tướng nêu rõ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN không đúng quy định của pháp luật. Các quyết định xử phạt này sẽ được công khai trên những phương tiện truyền thông đại chúng để người dân, xã hội nắm bắt được thông tin…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc siết chặt quảng cáo TPCN đã triển khai từ các năm qua, nhưng hiện nay đang siết chặt hơn nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người dân. Bộ Y tế cũng đã có Thông tư 09/2015/TT-BYT có hiệu lực từ tháng 7 vừa qua quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Trong đó, tại Điều 7 quy định điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm (gồm cả TPCN - PV) là phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp… Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết cục đã, đang và tiếp tục cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu cơ sở tái phạm hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng; thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh…
TƯỜNG LÂM