Cấp giấy phép sản xuất phân bón

Siết rồi lại buông

Thời gian gần đây, liên tiếp có thông tin về nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả nhãn hiệu xảy ra nhiều nơi. Mới đây nhất là ngày 17-6, trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Kiểng, quận 7), Quản lý thị trường TPHCM bắt quả tang vụ sang 768 tấn phân bón từ bao ghi “sản xuất tại Trung Quốc” qua bao ghi “sản xuất tại Canada” in tên Công ty TNHH Mai Khôi (đơn vị phân phối hàng). Trước đó, UBND huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu điều tra xử lý vụ Công ty cổ phần quốc tế Động Trung Đa Yếu Tố (Hà Nội) bán phân NPK kém chất lượng cho nông dân xã Gia Hiệp.

Cũng ngày 17-6, tại buổi góp ý việc sửa đổi bổ sung những quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón do Cục Trồng trọt tổ chức ở TPHCM, ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho biết, sức mua phân bón các loại của những công ty sản xuất hàng đầu trong nước như Bình Điền, Việt Nhật, Proconco… hiện rất chậm, mỗi công ty chỉ bán được từ 200 đến 300 tấn/ngày thay vì 1.000-2.000 tấn/ngày như thời điểm này năm 2007. Ông Phong giải thích thêm, đây là hậu quả của nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, nhất là vùng nông thôn xa xôi.

Thật ra không phải đến bây giờ mới xảy ra chuyện phân bón kém chất lượng hay giả, nháy nhãn hiệu. Nhưng tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi mà vật giá các loại đều leo thang, đa số nông dân đều ít vốn nên dễ bị “sập bẫy” của các doanh nghiệp làm ăn bất chính. Chiêu bán trả chậm với giá rẻ gần phân nửa so với sản phẩm cùng loại của các công ty có uy tín đã khiến khá nhiều nông dân khốn khổ, nhẹ thì năng suất cây trồng giảm; nặng thì cây bị èo uột, thậm chí chết... 

Cũng theo ông Phong, khoảng 15 năm về trước, việc cấp giấy phép sản xuất phân bón rất khó. Doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ nhà xưởng, thiết bị và công nghệ hoàn chỉnh, nếu không đáp ứng thì phải tự đóng cửa. Giờ đây, việc ra đời nhà máy sản xuất phân bón lại quá dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng không nên siết quá chặt như trước, nhưng cũng không thể thả lỏng quá đáng, nhất là những sản phẩm thiết yếu đối với việc sản xuất của nông dân. Trong đó cần quản lý, kiểm soát chặt hàm lượng đạm, lân, kali và phân biệt rạch ròi, hàng giả là hàng mà hàm lượng dưới 90%, không thể lập lờ như hiện nay. Hơn nữa, mức phạt đối với việc làm phân bón giả, kém chất lượng hiện còn quá nhẹ, “tạo điều kiện” cho những kẻ làm ăn gian dối.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục