Cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới đang bước vào giai đoạn gay cấn. Khó khăn kinh tế, bất ổn chính trị, xã hội lan rộng càng khiến nhiều cường quốc đẩy mạnh mũi nhọn công nghệ quốc phòng, một mặt củng cố địa vị quốc gia, một mặt để tranh thủ khoản lợi béo bở từ những hợp đồng mua bán vũ khí. Còn các nước nhỏ cũng tăng tốc mua vũ khí để phòng vệ.
Châu Á hối hả
Trang tin điện tử The Diplomat cho rằng, hàng loạt thông tin về hoạt động mua bán, sản xuất các thiết bị vũ trang hiện nay ở châu Á là minh chứng cho việc khu vực này đang tăng tốc chạy đua vũ trang. Bản báo cáo công bố gần đây của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) cũng cho thấy, lần đầu tiên ngân sách quốc phòng năm 2012 của các nước châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ vượt qua các cường quốc phương Tây, tạo nên bước ngoặt trong cuộc đua vũ trang toàn cầu. Trong năm 2011, tổng chi tiêu quân sự của châu Á tăng 3,15% lên 294 tỷ USD. Trung Quốc chiếm 30% chi tiêu của khu vực, tiếp đến là Nhật với 20% và Ấn Độ 11%. Những nước này cùng với Hàn Quốc và Australia chiếm 80% tổng ngân sách quốc phòng của châu Á.
Tâm điểm tại khu vực châu Á hiện nay là Trung Quốc. Nước này đầu tư mạnh cho hệ thống quân sự khi chi gần 90 tỷ USD năm 2011, tăng hơn 12,7% so với năm trước và gấp 2,5 lần so với cách nay 10 năm. Bắc Kinh mới đây thông báo sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng thêm 11,2%. Công ty tư vấn IHS Jane’s dự đoán đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh sẽ vượt ngân sách 8 thành viên cao cấp của NATO là Anh, Pháp, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha và Ba Lan. Trung Quốc cũng đang gây lo ngại cho phương Tây khi trình làng hàng loạt khí tài hiện đại: hàng không mẫu hạm đầu tiên được cải tạo từ tàu Varyag của Liên Xô, chiến đấu cơ J-20, hệ thống tên lửa tầm xa để đối phó hoạt động của tàu Mỹ trong khu vực, xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Các nguồn tin quân sự cho biết, tên lửa Bắc Kinh chế tạo sẽ có tầm bắn đến 4.000 km. Các tên lửa mới này sẽ là một phần không tách rời của hệ thống phòng thủ tổng hợp ở Trung Quốc.
Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch triển khai thêm 3 giàn tên lửa đánh chặn Patriot và xúc tiến sản xuất các tàu chiến trang bị tên lửa thế hệ Aegis. Nhật Bản cho biết chương trình này nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên. Từ những năm 1980 đến nay, hơn 90% trang bị vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được sản xuất trong nước, một phần đáng kể trong số này đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và tên lửa đạn đạo của Nhật Bản đã hình thành hệ thống nghiên cứu khoa học và sản xuất tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là tên lửa đẩy H2-A và M5, vệ tinh thực nghiệm công trình và vệ tinh quan trắc địa cầu, trạm không gian quốc tế… đều có trình độ tiên tiến trên thế giới.
Việc đẩy mạnh mua sắm quốc phòng của Trung Quốc, hiện đại hóa công nghệ quốc phòng của Nhật Bản đang tạo ra cuộc chạy đua ngầm giữa các nước trong khu vực. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Australia, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đang gấp rút nâng cấp hải quân và không quân. Từ năm 2012 - 2016, Ấn Độ có kế hoạch đầu tư 80 tỷ USD mua vũ khí trang bị mới, trong đó 50 tỷ USD dành để thay thế vũ khí trang bị từ thời Liên Xô trước đây. Đến năm 2030, không quân Ấn Độ sẽ có hơn 1.000 máy bay chiến đấu, trong khi lục quân nước này lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ mua khoảng 1.650 xe tăng T-90 của Nga.
Nga, Mỹ so kè
Trái với sự nhộn nhịp trong hoạt động trang bị vũ trang ở châu Á, bức tranh quốc phòng của châu Âu rất ảm đạm. Từ năm 2008-2010, tổng cộng 16 thành viên NATO của châu Âu đã phải cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng hơn 10%. Năm 2011, ngân sách quân sự của các nước châu Âu chỉ khoảng 270 tỷ USD. IISS dự báo với tình hình kinh tế vẫn trì trệ như hiện tại, khả năng phục hồi ngân sách quốc phòng châu Âu sẽ rất chậm.
Nằm ngoài xu thế “thắt lưng buộc bụng” của các nước châu Âu, Nga và Mỹ vẫn đang có cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc chạy đua vũ trang. Hiện hai quốc gia này vẫn đang có cuộc đối đầu gay gắt về hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Với tuyên bố quan ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ áp sát và đe dọa an ninh Nga, Mátxcơva từng nhiều lần khẳng định những kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng, hiện đại hóa quân đội để bảo vệ lợi ích đất nước, đối phó với Mỹ và NATO.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định sẽ chi ít nhất 2,8% GDP đầu tư cho quốc phòng trong vòng 8 năm tới, bởi các nguy cơ kéo Nga vào một cuộc xung đột tiềm tàng là rất dễ xảy ra. Chính phủ Nga đã thông qua khoản ngân sách dành mua sắm vũ khí kỷ lục lên tới 650 tỷ USD. Được “bật đèn xanh”, mới đây không quân Nga tuyên bố sẽ trang bị 10 máy bay ném bom Tu-160M, trong khi hải quân cũng chẳng chịu lép vế với kế hoạch mua 10 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey hiện đại... Những sự chuyển mình của quân đội Nga hiện nay đang nhận được nhiều sự đồng thuận từ người dân. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 3-2012 với vị thế vững chắc của “cỗ xe song mã” Putin – Medvedev, bảo đảm rằng quân đội Nga sẽ còn tiếp tục “lột xác”.
Trong bối cảnh nước Nga nỗ lực khôi phục ảnh hưởng và vị thế siêu cường trong quân sự, Mỹ đương nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn. Một mặt, Mỹ từng bước thực hiện kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tại châu Âu, một mặt Mỹ vẫn mạnh tay chi cho hoạt động quốc phòng với con số lên tới 730 tỷ USD dù kinh tế chưa thật sự hồi phục.
Giữa lúc những tranh cãi trong quan hệ Mátxcơva- Washington về hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu chưa chấm dứt, Mỹ lại tiết lộ một kế hoạch lá chắn tên lửa mới (tương tự như NMD tại châu Âu) ở châu Á và Trung Đông. Washington một mực khẳng định các hệ thống lá chắn tên lửa của họ được thiết kế chỉ nhằm đối phó với những nước như Iran và Triều Tiên. Hướng đi này nằm trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục đầu tư cho các đối tác và liên minh quan trọng NATO. Hành động của Mỹ được cho là nhằm tối đa hóa những lợi thế của Mỹ tại khu vực, nơi đang trở thành tầm ngắm của nhiều siêu cường trên thế giới.
Thanh Hằng (tổng hợp)