Trong những ngày qua, song song với những thông tin liên tục được cập nhật về tình hình động đất tại Nhật Bản, một cuộc tranh cãi về ngày “Siêu Mặt trăng” làm thời tiết Trái đất thay đổi cũng đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Vậy thực hư về ngày 19-3 sắp tới thế nào?
Theo tính toán của các nhà khoa học Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ngày 19-3 (ngày 15-2 Âm lịch) tới, Mặt trăng sẽ di chuyển đến gần Trái đất, cách Trái đất khoảng 356.578km (trung bình khoảng cách Mặt trăng - Trái đất vào khoảng 384.400km). Đây được xem là khoảng cách gần nhất giữa Mặt trăng và Trái đất kể từ năm 1992 tới nay. Vào ngày này, Mặt trăng không quay quanh Trái đất theo quỹ đạo thông thường là hình tròn mà là hình bầu dục. Khi Mặt trăng đến điểm cận địa, điểm gần Trái đất nhất, Mặt trăng sẽ trông sáng (30%) và to hơn (14%) trên bầu trời đêm. Hiện tượng cận địa sẽ xuất hiện mỗi tháng 1 lần. Tuy nhiên, khác biệt lần này ở chỗ điểm cận địa sẽ trùng hợp với ngày rằm và sự trùng hợp này chỉ xảy ra từ 2 đến 3 năm/lần.
Mặt trăng - động đất
Giới đam mê thiên văn học vô cùng phấn khích với thông tin trên bởi họ sẽ được ngắm và sở hữu những bức hình tuyệt đẹp về Mặt trăng. Tuy nhiên, đi kèm với sự hứng khởi về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú là những lo lắng về sự trùng hợp của tự nhiên. Một số ý kiến cho rằng vụ động đất mạnh 9 độ richter hôm 11-3 vừa qua tại Nhật Bản là do “Siêu Mặt trăng”. Họ đưa ra hàng loạt các dẫn chứng khá thuyết phục về những thảm họa thiên tai đã xảy ra trong lịch sử có liên quan đến “Mặt trăng khổng lồ”.
Vào các năm 1955, 1974, 1992 và 2005, “Siêu Mặt trăng” xảy ra kéo theo hiện tượng thời tiết đột nhiên biến đổi khác thường. Chỉ 2 tuần trước khi “Siêu Mặt trăng” xuất hiện vào tháng 1-2005, một trận động đất ngoài khơi gây ra sóng thần đã khiến hàng trăm ngàn người dọc bờ biển Ấn Độ Dương thiệt mạng vào tháng 12-2004. Trước đó, vào dịp Giáng sinh năm 1974, siêu bão Tracy càn quét, tàn phá hoàn toàn một khu vực ở Darwin (Australia). 71 người đã thiệt mạng, 70% các công trình tại Darwin bị phá hủy và thiệt hại vào khoảng 837 triệu USD…
|
Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga sau vụ động đất tại Nhật Bản, Phó Giám đốc Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Arkady Tishkov, cho rằng trận động đất xảy ra có thể do vị trí của Mặt trăng và các quá trình hoạt động mạnh của Mặt trời. Theo ông Tishkov, Mặt trời đang ở giai đoạn hoạt động mạnh nhất trong vài năm qua và tuôn ra các luồng proton lớn ảnh hưởng đến hoạt động của Trái đất. Các cơn bão từ xuất hiện thời gian qua là minh chứng cho sự hoạt động mạnh mẽ của Mặt trời.
Trong khi đó, Mặt trăng lại đang ở trong giai đoạn gần Trái đất nhất, sẽ tác động mạnh đến thạch quyển của Trái đất, đến chế độ hoạt động của hải lưu. Vì lẽ đó, Thái Bình Dương thay đổi sự hoạt động của thủy triều, làm ảnh hưởng đến chuỗi núi lửa mà thường được gọi là vành đai lửa Thái Bình Dương.
Ông Tishkov cho rằng mối quan hệ giữa các hiện tượng như vậy có thể không luôn nhất quán nhưng vẫn tồn tại, được ghi nhận và thường xuyên thể hiện. Chu kỳ địa chấn và hoạt tính của Mặt trời có thể trùng với nhau và trong tương lai gần, khoảng những năm 2011-2015 sẽ là chu kỳ núi lửa hoạt động cao nhất và địa chấn lớn nhất.
Theo Tiến sĩ Victor Gostin, nhà nghiên cứu về môi trường Trái đất của Đại học Adelaide (Australia), có mối quan hệ giữa một trận động đất lớn với Mặt trăng. “Động đất, núi lửa và các thảm họa thiên nhiên khác là không thể báo trước nhưng những phân tích đã chỉ ra rằng hiện tượng thủy triều luôn gắn liền với Mặt trăng có thể gây ra động đất”, ông Gostin nhấn mạnh.
Chẳng có gì đáng ngại
Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều chuyên gia khẳng định “Siêu Mặt trăng” sẽ không làm tổn hại đến Trái đất. Chuyên gia Pete Wheeler thuộc Trung tâm Thiên văn vô tuyến quốc tế cho biết sẽ chẳng có núi lửa hay động đất, mà nếu có chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Chúng ta chẳng việc gì phải ẩn nấp dưới các khu hầm tránh bom”, ông Wheeler khẳng định.
Nhà khoa học Geoff Chester thuộc đài thiên văn của Hải quâ
n Mỹ tại Washington DC đưa ra dẫn chứng vào 3-1983 và 12-2008, hiện tượng “Siêu Mặt trăng” cũng đã xảy ra nhưng không để lại bất cứ một thiệt hại nào. Ông Chester cho hay vào ngày 19-3 này, thủy triều có thể sẽ cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là điều gì đó đáng lo ngại bởi thủy triều ở hầu hết các khu vực vào thời điểm trăng tròn sẽ bị trọng lực Mặt trăng đẩy lên cao hơn khoảng vài centimet so với mức thông thường.
|