Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, một siêu máy tính của Nhật Bản đứng đầu danh sách này.
Fugaku do Viện Nghiên cứu Riken và Công ty Fujitsu hợp tác phát triển dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật Bản, có tốc độ xử lý lên tới 415,53 triệu tỷ phép tính trong một giây - gấp 2,8 lần siêu máy tính nhanh nhất thế giới năm 2019 của Mỹ, IBM Summit, đặt tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennesse. Việc Fugaku leo lên vị trí dẫn đầu đã thay đổi trật tự trong cuộc chạy đua siêu máy tính nhanh nhất thế giới trong gần một thập niên qua, vốn luôn bị thống trị bởi Mỹ và Trung Quốc.
Không chỉ thống trị về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data). Theo Viện Nghiên cứu Riken, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một siêu máy tính có được vị trí số 1 trong cả 4 hạng mục nêu trên.
Việc chính phủ một đất nước đầu tư phát triển máy tính tốc độ cao được cho là mang đến rất nhiều lợi ích. Siêu máy tính trở thành một phần quan trọng trong hạ tầng hiện đại, nó giúp mang đến sự phát triển của nhiều loại thuốc và nguyên liệu mới, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới trong lĩnh vực AI.
Việc phát triển siêu máy tính cũng có nhiều ý nghĩa về mặt an ninh bởi nó được sử dụng trong hoạt động thử nghiệm hạt nhân.
Siêu máy tính này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ từ tháng 4-2021. Hiện nay, siêu máy tính Fugaku chỉ vận hành được 1/6 khả năng tối đa, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đã đủ vượt xa K, siêu máy tính do Fujitsu phát triển từng dẫn đầu bảng xếp hạng Tốp 500 vào năm 2011.