Siêu thị đặt hàng, nông dân sản xuất

Các mặt hàng tại kênh phân phối hiện đại luôn đặt vấn đề về an toàn thực phẩm, còn ở chợ truyền thống thì nguồn gốc vệ sinh an toàn thực phẩm còn đáng lo ngại. 


        

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải đặt hàng nhà sản xuất theo yêu cầu, đồng thời bao tiêu và hướng đến các kênh siêu thị để phát tín hiệu thị trường nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Tại TPHCM, hệ thống cung ứng thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp thông qua chuỗi từ nơi sản xuất đến hệ thống bán lẻ hiện đại đã bao phủ được khoảng 20%. Trong khi đó, các kênh thực phẩm thông qua các chợ đầu mối và chợ bán lẻ chiếm đến 80% lượng thực phẩm tươi sống, nhưng chưa thể kiểm soát được an toàn thực phẩm. Theo PGS-TS Trần Tiến Khai, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thời gian trở lại đây kênh siêu thị và đại siêu thị đang tăng trưởng tốt và có nhiều tiềm năng phát triển. Thông qua các kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu sản xuất phải từ nhu cầu tiêu dùng nhiều, thường xuyên của người dân thành phố và gắn liền cuộc sống của hàng triệu nông dân, ổn định tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng cung ứng đạt chuẩn.

Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (tỉnh Đồng Tháp), cho biết sản phẩm của HTX đã gắn tem truy xuất nguồn gốc nên khách hàng có thể tìm được nơi sản xuất ra trái xoài. Với mong muốn mở rộng thị trường, HTX đề nghị nếu các siêu thị, nhà phân phối tại TPHCM có đơn hàng theo tiêu chí nâng chất sản phẩm thì HTX đặt hàng cho nông dân sản xuất. Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, nhận định hiện nay hàng hóa vào chợ chủ yếu là hàng bao không bì, nhãn mác và chỉ mới sơ chế tại nguồn. Để thực phẩm đạt chuẩn an toàn, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối. Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho hay, siêu thị đã và đang định hình được bộ tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm tươi sống nhằm tạo ra sân chơi công bằng cho người sản xuất. Thực hành theo tiêu chuẩn công khai thì hàng hóa vào siêu thị không còn mang tiếng khó dễ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nay thách thức về tiêu thụ nông sản ngày càng trở nên rõ nét khi cánh cửa hội nhập rộng mở. Việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiện đại, có liên kết dọc chặt chẽ giữa các tác nhân từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn phân phối, tiêu dùng dựa trên cơ sở sản xuất theo hợp đồng, áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy trình kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được xác định là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết tình trạng chất lượng sản phẩm bấp bênh, mang lại lợi ích to lớn cho nông dân và cả nền kinh tế. 

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Sản lượng sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, mạng lưới phân phối rộng khắp, song nông dân vẫn khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất đối với doanh nghiệp phân phối chưa bền vững. Lượng hàng hóa tiêu thụ thông qua các chương trình kết nối không nhiều, chất lượng sản phẩm của từng vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc rất thấp, chưa đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng.

Để nâng cao sản phẩm cung cấp cho TPHCM, tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch sản xuất; lựa chọn doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia với vai trò nhà cung cấp; kiểm soát sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Dũng đề nghị hệ thống phân phối tại TPHCM cần phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương có vùng nguyên liệu, chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng; hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng. 
PGS-TS Trần Tiến Khai nhận xét, thực tế cho thấy các doanh nghiệp, HTX có đủ khả năng cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ VietGAP đến GlobalGAP cho thị trường TPHCM, nhưng do việc kiểm soát nguồn cung chưa chặt chẽ, dẫn đến thực trạng sản phẩm VietGAP và không VietGAP bị lẫn lộn trong quá trình kinh doanh nên nhà sản xuất giảm động lực sản xuất. Việc áp dụng kiểm soát trên quy mô rộng hoạt động truy xuất nguồn gốc là giải pháp giúp tạo động lực thực hành sản xuất tốt hơn tại các nông hộ. Đối với các doanh nghiệp thương mại, cần đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đa dạng về chủng loại đến hệ thống các cửa hàng tiện lợi vì các cửa hàng này có ưu điểm là phân bố trong khu dân cư. Nhờ vậy, có thể dần giúp người dân thay đổi thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm tươi sống và mở rộng kênh tiêu thụ văn minh, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục