Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, triển khai từ tháng 12-2011 với nội dung hợp tác đa dạng, phong phú gồm các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, xây dựng, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường, tại An Giang, Doanh nghiệp tư nhân Siêu thị Tứ Sơn là đơn vị điển hình tham gia tích cực chương trình.
Một trong những hoạt động nổi bật từ chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành chính là chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giúp phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Thông qua chương trình, hàng hóa, sản phẩm đặc sản các địa phương tiếp cận hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM và ngược lại, sản phẩm của DN TP cũng đã đến với hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành bạn và tiếp cận với người tiêu dùng các địa phương.
Tham gia ngay từ ngày đầu, Siêu thị Tứ Sơn đã tiếp nhận và phân phối hàng hóa của DN TP. Với diện tích gần 10.000m², Siêu thị Tứ Sơn đang là nhà phân phối chủ lực kinh doanh loại hình phân phối hiện đại trên địa bàn TP Châu Đốc, An Giang. Trong các năm qua, bên cạnh thành tích tiếp nhận và phân phối trên 100.000 mã hàng hóa của 1.650 nhà cung cấp, chủ yếu là DN TPHCM, trong đó có không ít DN chủ lực của Chương trình Bình ổn thị trường.
Toàn cảnh hoạt động mua và bán tại Phiên chợ hàng Việt do Siêu thị Tứ Sơn tổ chức tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trong tháng 4-2015. Ảnh: Minh Hùng
Năm 2014, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Sở Công thương An Giang và TPHCM trong tiếp cận, kết nối với DN sản xuất, Siêu thị Tứ Sơn đã sáng tạo, nghiên cứu mô hình siêu thị lưu động, trưng bày và phân phối hàng hóa, mạnh dạn triển khai với tên gọi Phiên chợ hàng Việt tham gia vào Chương trình trọng điểm “Hàng Việt về nông thôn”, đến nay đổi thành “Tự hào hàng Việt” theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Siêu thị lưu động của Tứ Sơn có diện tích 1.500m², trưng bày 9.000 sản phẩm hàng VN của 100 nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu như: điện gia dụng, quần áo may sẵn, thực phẩm, bánh kẹo, đồ dùng gia đình,… có chất lượng và đảm bảo giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân tại các khu vực biên giới, vùng xa, chủ yếu là khu vực giáp ranh Campuchia của tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh An Giang. Mỗi phiên chợ, siêu thị lưu động tổ chức trong thời gian từ 3-4 ngày đêm, thu hút bình quân từ 8.000 - 9.000 khách. Qua 1 năm triển khai, với 3 đợt bán hàng, đã có 17 phiên chợ được Siêu thị Tứ Sơn tổ chức trên địa bàn các huyện vùng xa như: Thoại Sơn, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên… cung cấp các mặt hàng thiết yếu của hơn 1.500 nhà sản xuất trong nước phục vụ cho hơn 100.000 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh số lên đến hơn 14,3 tỷ đồng.
3 tháng đầu năm 2015, Siêu thị Tứ Sơn đã tổ chức 4 phiên chợ. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay Tứ Sơn sẽ tổ chức 13 phiên chợ và 25 chuyến hàng, nhắm tới đối tượng là người dân các khu vực vùng xa, dân cư không tập trung. Hình thức này tổ chức với thời gian ngắn hơn và số lượng mặt hàng ít hơn, chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng thực sự thiết yếu, phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Mô hình phiên chợ dưới dạng siêu thị lưu động của Tứ Sơn thực sự là một ý tưởng táo bạo, sáng tạo và tiên phong trong công tác thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một hình thức đưa hàng hóa trong nước phục vụ người tiêu dùng nông thôn hiệu quả. Thành công của mô hình này đã góp phần khẳng định kết quả thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại của TPHCM với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, cho người tiêu dùng và DN của các địa phương tham gia.
|
Nguyễn Nguyên Phương