Gần đây, nhiều ông bố bà mẹ trẻ có xu hướng đặt tên Tây cho con, với lý giải tên nước ngoài thể hiện sự sành điệu, mang tính hội nhập… Thực tế, nhiều gia đình đã lựa chọn cho con cái của họ những tên gọi ở nhà bằng tiếng nước ngoài nghe khá ngộ nghĩnh, vui nhộn. Thế nhưng, không ít người cũng tự đặt câu hỏi, nếu đồng loạt “sính ngoại”, vậy xã hội sẽ ra sao?
Bé gái 3 tuổi nhí nhảnh, dễ thương ngụ tại khu đường Bà Hạt, phường 9, quận 10, TPHCM có tên gọi thân mật ở nhà là Suri. Khi được gọi tên này cháu rất thích và hầu như mọi người cũng quên mất tên tiếng Việt của bé là Ngọc Hà. Buồn cười ở chỗ, nếu người nào vô tình gọi tên Ngọc Hà, bé nổi nóng, rồi khóc nức nở. Người lớn hỏi lý do, bé ngây ngô trả lời: “Các bạn nói tên Suri đẹp hơn Ngọc Hà. Trong lớp, cô giáo và các bạn đều gọi con là Suri”. Thực sự, đây không phải trường hợp cá biệt. Cô Nguyễn Mai Chi, giáo viên công tác tại một trường mầm non trên đường Đông Bắc, quận 12, TPHCM, chia sẻ rằng, trong trường cô đang công tác khá nhiều cháu có tên gọi ở nhà bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Hàn Quốc. Trong số đó, phổ biến nhất vẫn là tiếng Anh như: Cherry, Susan, Tony, Tom… Phần nhiều, việc đặt tên cho con chịu ảnh hưởng từ các bộ phim, những bài hát nước ngoài… từng ít nhiều để lại dấu ấn đối với các bậc phụ huynh.
Đáng chú ý, không dừng lại ở việc đặt tên nước ngoài để gọi ở nhà cho vui, một số ông bố, bà mẹ trẻ còn đưa cả tên ngoại vào giấy khai sinh. Chẳng hạn, Trần Nguyễn Tony, Lê Susan Ngọc… Chắc hẳn, mọi người còn nhớ rất rõ câu chuyện một số dân tộc vùng cao ở Lạc Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đua nhau đặt tên con theo các thương hiệu và nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc, như: Nokia, Samsung, Krajan Bae Yong Joon, Kralơ Hơ Uhm Jung Hwa… Chính một phụ huynh ngụ tại tỉnh Lâm Đồng thừa nhận rằng, đặt tên trong giấy khai sinh cho con giống diễn viên Hàn Quốc vì ngưỡng mộ họ, chứ gọi tên con muốn líu cả lưỡi, mỏi cả miệng.
Phải thừa nhận rằng, việc những ông bố bà mẹ trẻ đua nhau đặt tên ngoại cho con cái có sự góp phần không nhỏ của truyền thông, giới showbiz, mà nổi bật là các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ. Dễ bắt gặp hàng loạt các nghệ danh nửa ta nửa Tây, như: Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Angela Phương Trinh… Chính trào lưu đặt tên vay mượn này đã vô tình định hướng, cổ súy giới trẻ chạy theo phong trào đặt tên ngoại cho con trẻ. Anh Hoàng Văn Quang (32 tuổi), giáo viên cấp 3, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp, bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, tên thân mật của các cháu nhỏ ở nhà có thể gọi tên thuần Việt hay nước ngoài đều được, bởi nghe cũng vui tai, kích thích các cháu yêu ngoại ngữ. Tuy vậy, tên trong giấy khai sinh nhất thiết phải là tên tiếng Việt. Hai cháu nhà tôi đều có tên ở nhà là Suri, Tom nhưng tới trường, tôi đề nghị giáo viên gọi đúng tên tiếng Việt của các cháu”.
Việc đặt tên con sao cho dễ nghe, có ý nghĩa… là điều nên làm, cần thiết. Tuy vậy, trong quá trình hội nhập, chúng ta vẫn nên giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mình, sẵn sàng hòa nhập nhưng không hòa tan. Điều đó giải thích tại sao, khi người nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại Việt Nam, mặc dù tên họ dài, khó gọi, nhưng họ vẫn giữ nguyên tên, không chuyển ngữ kiểu tiếng Việt cho dễ gọi. Ngược lại, nhiều người Việt Nam khi sinh sống, định cư nước ngoài vẫn hướng cho con học, nói tiếng Việt thật tốt để không quên tiếng mẹ đẻ. Thế thì, chẳng hà cớ gì, những người Việt trẻ trong nước lại đua nhau đặt tên ngoại cho con để “bằng chị bằng em”? Trăn trở này không riêng gì của những người làm công tác giáo dục, mà còn của toàn xã hội.
GIA HÂN