Sinh viên “chứng cổ”

Sinh viên “chứng cổ”

Chứng khoán là thị trường dành cho nhà đầu tư khai thác đồng vốn dư dả của mình, chứ ít ai nghĩ những cô cậu sinh viên bị liệt vào loại “viêm màng túi” cũng có thể chơi chứng khoán. Thời kỳ vàng son của chứng khoán có không ít người đã đổi đời, trong đó có SV. Nhưng đến khi thị trường điều chỉnh giảm, cũng không ít người lao đao khốn đốn, còn SV thì đã ôm một món nợ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí nhiều sổ đỏ, sổ hồng và những vật dụng quý giá của gia đình đã bị cầm cố.

Sách một bên, chứng khoán một bên

Sinh viên “chứng cổ” ảnh 1

Thị trường chứng khoán thu hút nhiều sinh viên tham gia. Ảnh: C.T.V

Sinh viên vốn năng động, táo bạo lại chịu khó tìm tòi. Đó cũng là lợi thế để các cô cậu bước vào sân chơi chứng khoán, mới mẻ, hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro. Sân chơi “đỏng đảnh” này được ví như nghề “giàu nhanh nhưng bại cũng chóng”. TTCK của ta còn mới mẻ, đầy biến động theo những quy luật “chẳng giống ai”. Nhiều đại gia gạo cội đã từng tham gia đầu tư ở rất nhiều sàn trên thế giới nhưng khi về tới TTCK Việt Nam cũng phải bó tay, không phân tích nổi. Ấy vậy mà các cô cậu sinh viên còn đang mài đũng quần nơi giảng đường đại học, lại “vô tư” rủ nhau đi chơi “chứng cổ” –cách gọi của họ khi tham gia sân chơi chứng khoán. 

Vào thời điểm chứng khoán “lên hương” (cuối năm 2006 đầu năm 2007) không chỉ giới chơi chứng khoán mà hầu hết các trường đại học đều trầm trồ về những sinh viên triệu phú. Huyền “cổ phiếu”, sinh viên Khoa Ngân hàng ĐHKT TPHCM có 50 triệu đồng vốn khởi nghiệp do cha mẹ cho, đã đầu tư hết vào cổ phiếu của BMC. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng cổ phiếu này niêm yết lên sàn và Huyền “ẵm” hơn 100 triệu đồng. Đến khi chỉ số VN-Index liên tục giảm, diễn biến thị trường phức tạp, Huyền rút lui vào hậu trường làm brocker (môi giới) cho những đại gia. “Nếu chơi chứng khoán theo kiểu cờ bạc đỏ đen thì tốt nhất dừng lại không nên mạo hiểm” -Huyền tâm sự. Khác với Huyền, Hiếu xuất thân từ “gốc sắn, củ khoai” nhưng có “máu” làm giàu đã quyết thử vận may bằng cách làm brocker cổ phiếu OTC. Công việc của Hiếu là đi lùng loại cổ phiếu OTC có giá sát với giá khởi điểm, rồi lên mạng chào bán, chỉ cần có chênh lệch chút ít là “thẩy” hàng ngay. Giao dịch thành công, có “tiền tươi” rủng rỉnh, Hiếu ăn chơi cả tuần. Tham gia môi giới chưa đầy 1 năm, Hiếu cũng tậu được xe Wave mới, số tiền còn lại đầu tư xoay vòng cổ phiếu “lúa non”.

Rớt tốt nghiệp và rớt… sàn

Xuất thân từ gia đình nông dân, Lê Nam quyết tâm học với mong có cơ hội đổi đời và đã thi đậu vào ĐHKT TPHCM. Đang theo học năm thứ 3, cơ hội đã đến với Nam khi TTCK trở nên sôi động. Nam làm brocker cùng 5 người. Là dân học kinh tế nên chỉ qua một tuần làm việc Nam đã học hết mấy ngón nghề của đàn anh.  5 phiên giao dịch, 2 lần thành công, lời 4 triệu đồng, Nam mua ngay 2 điện thoại di động phục vụ cho công việc. Chỉ một thời gian ngắn sau, Nam được sinh viên trong trường biết đến với cái tên Brocker Nam sành điệu. Làm ăn uy tín, khách hàng ngày một đông buộc Nam phải cúp học liên tục để lên sàn. Cả lớp chuẩn bị cho mùa thi tốt nghiệp thì Nam vẫn mải miết với những con số và mã chứng khoán. “Năm nay không tốt nghiệp thì sang năm đâu có muộn, cơ hội thi thì nhiều chứ kiếm tiền chỉ có một” –Nam lập luận với bạn bè. Khi Nam và 4 người bạn trong nhóm biết tin mình rớt tốt nghiệp cũng là lúc thị trường chứng khoán liên tục… rớt sàn. Nam điện thoại liên tục nhưng chỉ gặp “người mua giá dưới đất, kẻ bán giá trên trời”. Cung không gặp cầu trong khi tiền điện thoại hết cả vài triệu một tháng. Sốt ruột, bộ tứ brocker giải nghệ xin làm phục vụ quán ăn, tối về ôn thi trong khi bạn bè đã tốt nghiệp.

Lan (sinh viên Khoa Tài chính) không chỉ nợ môn học mà còn ôm cục nợ 30 triệu đồng tiền vay ngân hàng. Thấy bạn bè chơi chứng khoán, Lan về quê  năn nỉ ba mẹ cầm cố căn nhà duy nhất ở Long An để vay ngân hàng 30 triệu đồng. Lan hùn số tiền này với 5 người bạn trong lớp lập nhóm kinh doanh chứng khoán. Sau khi  học một khóa đào tạo về chứng khoán, nhóm quyết định mua quyền mua cổ phiếu “non” của một bệnh viện. Ngay lập tức có người hỏi mua lại với giá gấp 3 - 4 lần. Cả nhóm quyết không bán, chờ giá lên nữa. Nhưng “thảm họa” đã xảy ra khi bệnh viện này chưa có quyết định cổ phần hóa. Tờ giấy đáng giá hàng trăm triệu đồng bỗng chốc trở thành tờ giấy lộn. Thương lượng mãi với người bán và phải nhờ đến sự can thiệp của nhà trường, nhóm của Lan cũng chỉ gỡ được 10%. Lan không dám cho gia đình biết chuyện, đi xin việc làm thêm khắp nơi, buổi sáng thì bán cà phê, tối tiếp thị rượu kiếm tiền trả lãi ngân hàng. Nghe đâu do lo lắng nhiều bị kiệt sức, Lan phải bỏ học trở về quê để gia đình chăm sóc.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng sinh viên thường còn lệ thuộc vào tài chính gia đình, chưa trực tiếp làm ra tiền nên muốn ra sàn chứng khoán phải vay mượn. Nếu chạy theo đầu cơ, thì nhà đầu tư sinh viên sẽ không theo kịp giới chuyên nghiệp, bởi không đủ vốn và kiến thức. Chơi chứng khoán được ví như những canh bạc, phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu. Để có kiến thức thực tế, sinh viên có thể lên sàn tham khảo, đặt tình huống, không nên lao mình vào. Bởi việc chính của sinh viên vẫn là học chứ không nên theo việc phụ, bỏ việc chính.

Tố Thanh

Tin cùng chuyên mục