Sirya khó thành Libya thứ hai

Những gì đang diễn ra tại Libya có thể bước đầu làm hài lòng lực lượng chủ chiến từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chưa tính những khó khăn, thậm chí nguy cơ sa lầy ở Libya, hành động quân sự chống Libya theo ý muốn chủ quan của một số nước đã tạo tiền lệ không hay cho các nước khác.

Thế nhưng, trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQLHQ) vào ngày 29-4, có 9 nước, trong đó có Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống và 11 nước bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu trong việc thông qua tuyên bố lên án các hành động quân sự của chính phủ Syria nhắm vào các cuộc biểu tình. Mặc dù tuyên bố do Mỹ bảo trợ này được thông qua song lần này số phiếu thuận khá khiêm tốn. Sự kiện này khác hẳn hồi đầu tháng 3, khi tất cả các thành viên của HĐNQLHQ chấp thuận hoãn tư cách thành viên của Libya, dọn đường cho các nghị quyết mạnh mẽ hơn và sau đó là can thiệp quân sự. Trớ trêu thay, Syria cũng chuẩn bị được bầu vào HĐNQLHQ vào tháng 5 theo quy chế luân phiên và là đại diện của châu Á. Có thể sẽ có nỗ lực loại Syria ra khỏi danh sách ứng cử. Nhưng không vì thế mà Syria sẽ nối gót Libya gánh chịu cuộc tấn công quân sự từ phương Tây.

Theo các nhà phân tích, luôn có sự khác biệt về quan niệm nhân quyền giữa các nước phát triển phương Tây với các nước đang phát triển. Có một điều cũng cần nhắc tới, phương Tây chỉ căn cứ vào các nguồn tin không chính xác từ Syria để nói rằng chính phủ nước này đã “đàn áp hàng trăm người chết” trong các cuộc biểu tình khi các phóng viên nước ngoài không được phép có mặt ở Syria.

Trong cuộc bỏ phiếu lần này, Nga và Trung Quốc muốn tránh việc phương Tây lái Syria theo con đường của Libya. Trong số những nước bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu, có thể họ đang cân nhắc lợi ích khi tham gia chống Syria. Quan điểm của Mỹ về Syria so với Libya cũng có một số khác biệt.

Giới hiếu chiến cho rằng chính phủ của ông Barack Obama quá mềm mỏng với Syria so với Libya khi đến giờ này Washington vẫn chưa tuyên bố chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bất hợp pháp hay kêu gọi chính phủ này từ chức như Libya trước đây. Thay vào đó, họ chỉ thông qua biện pháp phong tỏa tài sản một số quan chức trong chính phủ Syria được cho là đã “ra lệnh đàn áp người biểu tình”. Song biện pháp này tỏ ra không tác dụng vì các quan chức Syria hầu như không có tài sản ở Mỹ. Washington vẫn duy trì đại sứ quán tại Damascus.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định rằng, Mỹ “bỏ nửa chừng cuộc chơi” ở Libya nên không có cớ gì để tham gia vào một cuộc chiến khác. Dấu hỏi lớn lúc này là nếu có một hành động quân sự tại Sirya thì ai sẽ dẫn đầu khi Pháp, Anh và nhiều nước phương Tây khác đang rối bời tại Libya?

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục