
(SGGPO).- Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy trong hội nghị Biểu dương điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do Công an TPHCM tổ chức vào ngày 5-8.
Theo trung tướng Cao Ngọc Oánh, công an có nghiệp vụ cơ bản như công tác bí mật, quản lý nghiệp vụ, điều tra xác minh… và thường được gọi nôm na là lập “sổ đen” các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, trong đó có khoảng 80% là người có tiền án. Tuy nhiên, “sổ đen” không phải là danh sách đen, mà ý nghĩa thực chất phải cưu mang các giải pháp quản lý hành chính công khai, thông qua các giải pháp, chính sách kinh tế xã hội cho người chấp hành xong án phạt tù.
Hơn 10.000 người mãn hạn tù chưa có việc làm
TPHCM có gần 25.000 người chấp hành xong án phạt tù (chưa xóa án tích) đang cư trú và mỗi năm có hàng ngàn người mãn hạn tù về TP cư trú. Riêng trong 2 năm qua, TP có gần 3.800 người (có hộ khẩu TP) chấp hành xong án phạt tù về TP cư trú và gần 1.100 người chấp hành xong án phạt tù, có hộ khẩu ở TP nhưng không về nơi cư trú. Đặc biệt, trong khoảng 25.000 người mãn hạn tù, có đến 10.000 người chưa có việc làm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà trao giấy khen của UBND TPHCM cho đơn vị, cá nhân đã giúp đỡ, đồng hành cùng người mãn hạn tù
Theo Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM, đa số người chấp hành xong án phạt tù không có tay nghề, trình độ học vấn thấp nên không có việc làm ổn định hoặc có điều kiện lao động sản xuất nhưng không có vốn sản xuất kinh doanh để ổn định cuộc sống. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ tiếp tục vi phạm là rất lớn. Năm 2012, số lượng tái phạm chiếm hơn 6%, năm 2013, tỉ lệ này là gần 5,3%. Mặc dù tỉ lệ tái phạm tội giảm 0,7% nhưng tình hình vẫn diễn biến theo xu hướng ngày càng phức tạp.
“TP chỉ có hơn 5% tái phạm là rất thấp. Con số này cần xem kỹ lại.”- Trung tướng Cao Ngọc Oánh đề nghị. Để đối chiếu, ông Oánh nêu một con số, cả nước có khoảng 150.000 người đang chấp hành án phạt tù, trong đó có 50.000 người, tức 30% là tái phạm.
Tự mình hoàn lương
Buổi tuyên dương có sự góp mặt của 17 người hoàn lương. Nhiều người chấp hành xong án phạt tù khi tái hòa nhập cộng đồng đã trở thành doanh nhân thành đạt, giúp hàng loạt người lầm lỡ khác có công ăn việc làm. Nhiều người còn trở thành hạt nhân trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ bình yên cho khu phố. Trong đó, có anh Lê Thừa Dương Hùng, chủ cơ sở điêu khắc Tịnh Tín (huyện Hóc Môn), người từng có 3 lần vào tù ra khám, giờ đây đã hoàn lương, đã và đang truyền nghề, tạo việc làm cho 200 người lầm lỗi.

Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII – Bộ Công an, tặng hoa cho Qũy Hòa nhập và phát triển cộng đồng TPHCM
Ông Liên Khui Thìn (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), người từng nhận án tử hình trong vụ án EPCO – Minh Phụng. Tiếp xúc với nhiều phạm nhân tái phạm, ông nhận ra, nguyên nhân là khi họ quay về với xã hội, họ khó kiếm được việc làm do bản thân còn nhiều hạn chế và sự e ngại của cộng đồng. Vì thế, sau khi được đặc xá, ông đã cùng những người tâm huyết thành lập Quỹ hoàn lương (nay là Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng), thường xuyên tư vấn pháp lý, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, tặng sinh kế cho thân nhân, người đang và đã chấp hành án phạt tù.
Trong hơn 14.800 người mãn hạn tù có việc làm thì có đến hơn 11.800 người tự kiếm việc làm; chỉ có hơn 2.500 người có việc làm từ sự giúp đỡ của cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp. Và, 421 người khác được vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, bình quân số tiền món vay không lớn, chỉ hơn 1 triệu đồng/người (tổng số tiền được vay hơn 490 triệu đồng).
Để tái hòa nhập cộng đồng tốt, theo trung tướng Cao Ngọc Oánh, không ai khác mà yếu tố quyết định chính là nhân tố chủ quan, là ý thức, nỗ lực của người từng lầm lỡ. Khi ở trong trại giam, mọi việc phải tuân thủ kỷ luật, rèn phạm nhân như rèn binh, thậm chí hơn rèn binh, để có ý thức tốt. Nhưng khi tái hòa nhập cộng đồng rồi, môi trường hoàn toàn tự do, đòi hỏi bản thân người mãn hạn tù phải có tính tự giác cao, có lòng tự tin, tự trọng và có quyết tâm tự lo cho cuộc sống của mình. Nên người mãn hạn tù phải tự tin, tự trọng, tự lo là trước hết, yếu tố bên ngoài là bổ trợ để tái hòa nhập tốt hơn.
Xác định giáo dục trong trại giam chỉ đạt một mức độ nhất định, quan trọng là sự tự giác, giáo dục ngoài cộng đồng và cốt lõi của tái hòa nhập là đời sống ổn định, cốt lõi của đời sống ổn định là việc làm, trung tướng Cao Ngọc Oánh yêu cầu Công an TPHCM phối hợp cùng các ban ngành, tạo điều kiện thuận lợi để người mãn hạn tù có việc làm, có điều kiện phấn đấu, trở thành công dân tốt. “Có quan tâm đến nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù thì công việc của chúng ta – phòng ngừa tội phạm - mới thành công. Nếu để họ bất lực, nếu đẩy họ về phía cuối đường hầm thì chắc chắn sẽ nảy ra các hành động cực đoan, và hậu quả hết sức nặng nề.” – ông Oánh lưu ý.

Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM tặng giấy khen cho người vượt qua lầm lỡ, làm lại cuộc đời
Thực hiện Nghị định 80/CP, TPHCM đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù. Nhiều mô hình thiết thực giúp đỡ người mãn hạn tù được xây dựng: mô hình 5+1 (5 ban ngành, đoàn thể và gia đình giúp đỡ người mãn hạn tù), các địa chỉ đáng tin cậy ở cộng đồng, mô hình xe bánh mì cộng đồng, mô hình tổ dân phố nghĩa tình cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi…
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, chỉ có hơn 3.100 người được giới thiệu việc làm và 232 người được vay vốn học nghề với số tiền hơn 340 triệu đồng. Đánh giá kết quả này còn hạn chế, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM phải nâng cao hiệu quả các dự án dạy nghề, chú trọng hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người mãn hạn tù; Sở Tư pháp TPHCM phải kịp thời hỗ trợ các thủ tục tư pháp, xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, quận, huyện và ban ngành cần tăng cường vận động doanh nghiệp tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, trợ vốn, tặng sinh kế cho họ đứng lên làm lại cuộc đời.
Mạnh Hòa