Sổ tay: Băn khoăn làng nghề

Cùng với làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) là một trong số làng nghề có trên 100 năm ở TPHCM còn hoạt động và có sản phẩm xuất khẩu với thương hiệu khá nổi tiếng.

Cùng với làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) là một trong số làng nghề có trên 100 năm ở TPHCM còn hoạt động và có sản phẩm xuất khẩu với thương hiệu khá nổi tiếng.

Các sản phẩm bánh tráng đã làm gia tăng giá trị hạt lúa và giúp nâng cao thu nhập người dân tại chỗ, vì thế trước năm 1975, khoảng 75% số hộ trong xã làm nghề này. Thời kỳ hưng thịnh là thập niên 1990, ở đây có 1.700 lò tráng bánh, chiếm 39,4% số hộ trong xã, giải quyết khoảng 5.000 lao động, hàng ngày tiêu thụ hơn 30 tấn bánh thành phẩm, 2/3 số này là xuất khẩu sang thị trường châu Âu (Pháp…), và châu Á với khoảng 30 chủng loại bánh tráng khác nhau.

Hiện nay làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông giải quyết việc làm khoảng 1.000 lao động tại chỗ, nhưng nếu tính trên toàn địa bàn, sự lan tỏa của làng nghề giải quyết trên 4.000 lao động toàn huyện Củ Chi. Đó là chưa kể, nhờ sự phát triển làng nghề, nhiều hoạt động dịch vụ liên quan cùng phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân.

Vậy nhưng, ở Hợp tác xã Bánh tráng Phú Hòa Đông, mặc dù thu nhập của nghề làm bánh tráng cao hơn lao động nông nghiệp thuần từ 1,4 - 3,6 lần, nhưng trước sự phát triển nhanh của công nghiệp, thương mại và dịch vụ đã ảnh hưởng đến quy mô phát triển của làng nghề. Điều đáng nói hơn, chính sự cạnh tranh giữa các sản phẩm cùng loại và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các điểm mua đã làm chất lượng bánh tráng giảm sút, không đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Số lượng lò tráng bánh giảm xuống do thu nhập không bằng ngành nghề khác nên lao động trẻ tại địa phương đã chuyển nghề sang làm công nhân ở các xí nghiệp trong huyện.

Vì vậy, từ 1.700 lò tráng bánh năm 2005, nay chỉ còn khoảng 400 lò thủ công và 60 lò tráng bánh bằng máy. Thị trường tiêu thụ dần bị thu hẹp, giá thấp nên người làm bánh tráng lâu đời không tha thiết bám trụ với nghề mà dần dần chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, HTX có vai trò quan trọng ở các làng nghề nhưng chưa được phát huy, nhận thức về kinh tế tập thể của nhiều hộ sản xuất còn hạn chế, sản phẩm dù nhiều nhưng chậm đổi mới, kém hấp dẫn người tiêu dùng. Việc sản xuất chủ yếu là tự phát, chưa liên kết các khâu. Ngay cả người sản xuất bánh tráng chưa có kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu sự hướng dẫn, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Công nghệ bảo quản, đóng gói sản phẩm làng nghề lạc hậu, thời gian ngắn, ảnh hưởng đến giá sản phẩm.

Để khắc phục, các ngành chức năng có vai trò lớn trong việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân nhận thức đúng về kinh tế tập thể, về chất lượng sản phẩm. Trước mắt có chính sách ưu đãi về thuế cho sản phẩm làng nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn. Xây dựng cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân làng nghề. Kết hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng tour du lịch dọc sông Sài Gòn, kết hợp tham quan làng nghề bánh tráng nhằm hỗ trợ làng nghề phát triển...

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục