Sau vòng thi hát ru của sân chơi Đồ Rê Mí 2012 phát sóng, những ngày qua, dư luận bàn tán nhiều về tiết mục của thí sinh 9 tuổi Lê Trần Nhật Tiến: em khóc nức nở khi trình bày bài hát “Gặp mẹ trong mơ” - một sáng tác nhạc nước ngoài.
Đã có rất nhiều luồng dư luận trái chiều, có người ủng hộ, tán dương, đồng tình, người thì chê trách, cho rằng em đã “diễn” quá đà trong phần thi của mình trên sân khấu… Nhưng, cũng có thể, cảm xúc em có được trong phần thi của mình chính là sự rung cảm thật tâm từ trái tim trẻ thơ khi chạm ngõ sự xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng.
Đây không phải lần đầu tiên công chúng bàn tán, đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề tâm lý và thái độ của trẻ em ngày nay trong các hoạt động dự thi, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Trước đây, phong trào sinh hoạt, hội thi, hội diễn ca múa nhạc, kịch nói, vẽ tranh… dành cho các em thiếu nhi nở rộ, ngày càng phát triển mạnh mẽ, là nơi các em học tập, rèn luyện, là sân chơi bổ ích và lành mạnh bởi các em tha hồ chọn lựa tham gia vào loại hình nào mình yêu thích, không bị sức ép phải đoạt giải, không bị ganh tị, không bị bắt phải nổi tiếng...
Tuy nhiên, hiện nay, thông qua nhiều cuộc thi được đánh bóng tên tuổi, lăng xê quá mức, tâng bốc hoặc chê trách đều dâng cao ngút trời, thì trong tâm lý, sinh hoạt, biểu diễn của các em luôn ẩn chứa không ít tham vọng về các giải thưởng, thành tích, hư danh từ phía người lớn. Ở nhiều hội thi vẽ tranh, không ít tranh vẽ của trẻ mầm non, học sinh cấp 1 thể hiện một phong cách tranh mang tư tưởng đẳng cấp mỹ thuật, vượt xa tư duy thẩm mỹ hội họa của thí sinh.
Trong một số vở kịch thiếu nhi, tiểu phẩm hài, vai diễn của trẻ thơ lộ vẻ già đời qua ngôn ngữ đối đáp, tính cách, hình thể, trang phục của nhân vật. Trên các sân khấu ca nhạc, trên truyền hình, không thiếu hình ảnh các “ca sĩ nhí” trang điểm như người lớn, chọn bài hát và cách thể hiện không phù hợp với độ tuổi… Tất cả khởi nguồn từ các “đạo diễn” người lớn chỉ đạo, hướng dẫn mà ra, khiến sân khấu thiếu nhi, sân chơi trẻ thơ mất dần chất vô tư trong sáng, ngây thơ hồn nhiên vốn có.
Trẻ em như búp trên cành. Búp chồi non ấy sẽ nở theo đúng quy luật của tự nhiên hay sớm bung cánh để phơi mình cùng nắng, mưa, sương, gió… tất cả tùy thuộc vào sự giáo dục, dạy bảo, chỉ dẫn, uốn nắn và cả điều khiển từ phía những người lớn xung quanh. Thiết nghĩ, tuổi thơ là tuổi ăn, chơi và học. Chỉ mong, người lớn đừng ép uổng thái quá, để cuộc đời thơ bé của các em mất đi những ngày tháng tươi đẹp, quý giá!
Thúy Bình