Tại buổi họp báo về hội chợ triển lãm thủy sản (Vietfish) lần thứ 15, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích cơ hội và thách thức của ngành thủy sản xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
Theo đó, với lãi suất đã giảm, dịch bệnh hoại tử gan tụy tôm (EMS) cơ bản được khống chế, Ủy ban Nông nghiệp Mỹ hủy bỏ kiểm soát cá da trơn… là những thuận lợi cơ bản của ngành thủy sản. Thế nhưng thách thức không phải nhỏ. Đó là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định sơ bộ vụ kiện chống trợ cấp (CVD) tôm Việt Nam, khi cho rằng các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu tôm VN được trợ cấp từ chính phủ nên áp thuế chống trợ cấp tôm Việt Nam bình quân trên 6%, như vậy con tôm gánh 2 vụ kiện chồng lên nhau. Trong khi đó, mức thuế xem xét hàng năm của Mỹ với sản phẩm cá tra tăng quá cao; các thị trường chính chậm hồi phục do suy thoái kinh tế; tình trạng cá, tôm chết do dịch bệnh và đầu ra khó khăn kéo dài.
Có thể nói, những thách thức đó nhiều hơn cơ hội nên theo ông Trương Đình Hòe, năm 2013 ngành thủy sản phải điều chỉnh cả trong sản xuất và chế biến xuất khẩu để có thể cầm cự trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chỉ hy vọng có thể đạt 6,5 tỷ USD (6 tháng đầu năm khoảng 3 tỷ USD). Sau khi giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 4 và tiếp tục xu hướng này trong tháng 5 với mức tăng 8,3%, đạt 592 triệu USD.
Nhưng khi xuất khẩu tôm và cá tra có sự đảo chiều theo hướng đi lên thì mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loại cá biển khác lại có chiều hướng giảm mạnh. Lâu nay, xuất khẩu thủy sản đều dựa vào 3 thị trường chính là Mỹ, các nước EU và Nhật Bản, nhưng 3 thị trường này đều có những khó khăn riêng. Vì vậy đòi hỏi nỗ lực vượt khó của cả ngành, cần liên kết lại thay vì chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt làm ảnh hưởng đến lợi ích toàn ngành.
Nếu như khó khăn do khách quan có thể vượt qua thì khó khăn nội tại của ngành vẫn là vấn đề luôn trăn trở. Bài học về thuế chống bán phá giá con cá tra cả chục năm về trước vẫn chưa được các doanh nghiệp rút ra khi mới đây phía Mỹ xem xét lại mức thuế đã nâng lên mức cao, chỉ còn 9 DN có thể xuất vào thị trường này. Lúc đó VASEP cho rằng, giá xuất vào Mỹ sẽ tăng lên 1,6 - 1,7 USD/kg thay vì 1,4 USD/kg, vì theo lệ thường, nâng mức thuế thì giá bán cũng nâng lên. Nhưng kết quả đang diễn ra theo hướng ngược lại. Điều đáng lo ngại hơn, lượng xuất khẩu vào Mỹ lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012.
Ngay từ giữa năm 2012, khi vấn đề nợ công châu Âu đang giai đoạn cao trào làm nhu cầu sụt giảm, các DN đua nhau chuyển qua thị trường Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP, cảnh báo sự chuyển hướng này làm gia tăng đột biến lượng cá tra xuất khẩu vào Mỹ, không loại trừ khả năng dẫn đến sự bất lợi. Phải chăng vì điều này mà phía Mỹ đã nâng thuế chống bán phá giá lên cao?
Ngay cả việc chỉ 9 DN có thể xuất cá tra vào Mỹ khi mức thuế bị nâng lên mà vẫn không liên kết lại, tìm tiếng nói chung vì lợi ích của cả DN và ngành hàng cá tra thì đúng là vẫn không rút ra những bài học đau thương trong quá khứ. Nói như ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, bài học của ngành tôm là bản thân DN phải biết kiềm chế cái tôi để gắn kết với nhau.
ĐĂNG LÃM