Sinh vật cảnh ngày càng khẳng định vị thế như là một ngành kinh tế sinh thái đầy tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, lại là ngành tổng hợp gồm các sản phẩm sinh học như hoa và kiểng các loại, kể cả xương rồng; các loài động vật làm cảnh như cá cảnh, chó kiểng, chim kiểng, gà kiểng. Ngoài ra còn sản xuất các loại sản phẩm mang giá trị kinh tế và nghệ thuật cao như gỗ lũa, bút lửa, đá cảnh, thư pháp…
Tại Lễ hội sinh vật cảnh TPHCM lần thứ 5 vừa diễn ra ở Công viên Làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), vùng đất nổi tiếng cả nước về nghề trồng hoa lâu đời của TPHCM đã xuất hiện nhiều sản phẩm có giá trị hoặc độc đáo như cặp kiểng cổ trị giá 1,4 tỷ đồng, cây kiểng bonsai giá 800 triệu đồng. Nhưng cũng có loại dễ trồng, dễ chăm sóc, lại vừa túi tiền cho nhiều người hoặc sản phẩm khá độc đáo như kiểng treo ngược giúp giải quyết tình trạng thiếu không gian trồng cây trong nhà vùng đô thị.
Có thể nói, sinh vật cảnh góp phần quan trọng việc chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp truyền thống ở TPHCM sang nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Điều này ngày càng khẳng định vị thế khi giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ở TPHCM tăng lên mỗi năm với tốc độ nhanh hơn nơi khác, ước tính 240 triệu đồng/ha/ trong năm 2013. Con số này năm 2012 mới là 170 triệu đồng/ha. Trong đó, hình thành trên 2.000ha chuyên canh hoặc kết hợp nuôi, trồng SVC, tạo thêm nhiều mảng xanh cho TP; nhiều hộ gia đình phát triển thành trang trại, doanh nghiệp có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả trong nghề nuôi trồng sinh vật cảnh. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh cả trong nhận thức và hành động, TPHCM xác định tiếp tục tạo điều kiện phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có năng suất cao, sản xuất tập trung, góp phần thiết thực phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững. TPHCM đã có chiến lược phát triển sinh vật cảnh đến năm 2020 đưa diện tích sinh vật cảnh (hoa, lan, cây kiểng, cá cảnh, giống sinh vật cảnh nông nghiệp sinh thái) lên 6.000 - 7.000ha, chiếm khoảng 14% - 17% diện tích đất trồng trọt TP và lên đến 21% diện tích vào năm 2025, tức khoảng 9.000ha.
Việc tổ chức lễ hội sinh vật cảnh là cách để người dân TP có dịp tiếp cận, thưởng ngoạn các sản phẩm SVC, qua đó quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường, biết yêu thiên nhiên hơn. Đây còn là dịp các nhà vườn, nghệ nhân tham gia trưng bày, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ và mở rộng thị trường. Lễ hội lần này diễn ra khá lặng lẽ, lượng người dân đến tham quan khiêm tốn, khoảng 20.000 lượt, chưa tương xứng với vị thế TP với gần 10 triệu người. Điều này cũng dễ hiểu do được tổ chức ở quận ven thay vì quận trung tâm (Công viên Văn hóa Tao Đàn hay Công viên Lê Văn Tám). Nhưng điều này hóa ra lại hay vì không bị chìm khuất vào các khu vui chơi của Khu du lịch Suối Tiên (tổ chức lần 4). Điều đáng ghi nhận là lễ hội lần này tự lực hoàn toàn, không còn dựa dẫm hay phải đi xin ngân sách TP như những lần tổ chức trước đó, với khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng, trong khi lần này chỉ bằng 10% tổng chi phí đó.
Đăng Lãm