Ngày mai 8-5, tại Hà Nội, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Dịch thuật trong thực tế xuất bản”. Tham dự tọa đàm có các dịch giả nổi tiếng hiện nay như Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ, Lương Việt Dũng, Đào Bạch Liên, Trần Lê Thùy Linh, nhà phê bình văn học kiêm dịch giả Phạm Xuân Nguyên.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Nhã Nam đã lần lượt tổ chức 2 cuộc gặp mặt liên quan đến vấn đề dịch thuật. Lần đầu về danh nghĩa là buổi giao lưu giữa dịch giả, biên tập của tác phẩm “Chúa tể những chiếc nhẫn – Đoàn hộ nhẫn” (Nhã Nam liên kết cùng với bạn đọc). Tuy nhiên, trên thực tế buổi giao lưu nhằm mục đích giải tỏa những tranh cãi quyết liệt từ cộng đồng mạng đến báo chí về vấn đề chất lượng bản dịch của tác phẩm. Ban đầu là các cuộc tranh luận mang tính học thuật khi một bên là một số bạn đọc cho rằng nhiều danh từ riêng của “Đoàn hộ nhẫn” dịch kém chất lượng, phản cảm và một bên là các dịch giả cùng một số bạn đọc khác cho rằng dịch như thế là sát nghĩa và mang tính văn học. Càng về sau, tranh luận chuyển thành tranh cãi và thậm chí bạn đọc hai phe còn dùng cả những ngôn từ kích động để tấn công nhau. Cũng chính vì tình trạng căng thẳng này, Nhã Nam đã phải tổ chức một cuộc gặp gỡ để cả hai phía có dịp trao đổi trực tiếp nhằm tìm ra hướng xử lý ổn thỏa nhất.
Buổi tọa đàm ngày 8-5 lại có một nguyên nhân khác, nó là hệ quả của một loạt các sự kiện liên quan đến dịch thuật mà đỉnh điểm là cuộc tranh cãi về một số câu dịch trong tác phẩm “Những thứ họ mang” của nhà văn Mỹ Tim O’Brien (The Things They Carried), bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, do Nhã Nam liên kết cùng NXB Văn học xuất bản. Trước đó nữa, một loạt các tác phẩm của Nhã Nam cũng dính lỗi dịch thuật như “Bản đồ và vùng đất”, “Hạt cơ bản”, “Vô tri”… Có cuốn đã phải thu hồi, xin lỗi bạn đọc, dịch giả có người còn phải nhận Trái cóc xanh về dịch thuật, một giải phê phán nổi bật nhất nước hiện nay. Cuộc tọa đàm lần này dự kiến sẽ càng nóng hơn khi mà chính nhà văn Tim O’Brien đã có phản hồi về nghĩa của một số từ trong tác phẩm và đề nghị dịch giả nên tìm một từ hoặc một cách dịch không hoàn toàn tục tĩu nhưng vẫn giữ được nghĩa của câu văn gốc.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận không phải lời buộc tội nào về dịch thuật hiện nay cũng đúng. Có thể lấy ví dụ như cuốn Lolita bản dịch của Dương Tường do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn xuất bản, khi tác phẩm ra mắt cũng đã nhận được không ít lời phê phán về một số chi tiết trong bản dịch. Thế nhưng, dịch giả đã thể hiện sự chuyên nghiệp của mình khi có những lập luận, chứng minh bảo vệ quan điểm của mình và được bạn đọc, giới phê bình chấp nhận. Giải thưởng về dịch thuật 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm này chính là sự ghi nhận giá trị bản dịch bất chấp những phê phán trước đó.
Chính vì thế, chủ đề “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” được đánh giá là sát với thực tế hiện nay khi mà ranh giới giữa đúng - sai trong dịch thuật đang rất mong manh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gây ra nhiều tranh luận. Cuộc tọa đàm hy vọng sẽ giải đáp được phần nào những vấn đề của dịch thuật trong nước và giúp bạn đọc có thể lựa chọn được những bản dịch hay, có giá trị.
Tường Vy