Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị C. (ngụ quận 1, TPHCM), cán bộ làm công tác giảm nghèo gợi ý chị nên vay ít vốn từ quỹ xã hội để buôn bán nhỏ, tăng thêm thu nhập. Bất ngờ, chị C. giãy nảy: “Tôi nghèo thì nghèo thật chứ không mượn nợ”.
Còn chị H. (cùng ngụ quận 1), lại nổi trận lôi đình: “Sao, chị nghĩ sao? Tôi thế này mà đi làm ô-sin à?!”, khi được gợi ý nên đi giúp việc theo giờ.
Một trường hợp khác, khi được chính quyền địa phương bảo lãnh, xin cho chân bảo vệ với mức lương 3 triệu đồng/tháng, người đàn ông này đủng đỉnh: “Thôi, cứ để nghèo vậy chơi”. Thậm chí, chị N.T.B. (35 tuổi, ngụ quận 8), từ nhỏ được mẹ bao bọc. Sau khi chị B. đi cai nghiện về thì mẹ mất, phải sống nhờ chị gái và hàng ngày được cho tiền ăn, uống cà phê. Trước nguy cơ trở thành người nghèo, nhất là rảnh rỗi lại bước tiếp vết xe đổ, cán bộ phường, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên lần lượt tiếp cận nhưng giới thiệu việc gì chị cũng không chọn vì thấy… chưa phù hợp!
Theo Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, vẫn có một bộ phận người nghèo, hộ nghèo ở TPHCM sợ giàu, thích nghèo chơi như thế.
Khi người dân “cố thủ” không lựa chọn cơ hội vượt nghèo, các giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập của địa phương trở nên vô nghĩa, không phát huy được hiệu quả. Với những trường hợp đặc biệt này, cùng với giảm nghèo về kinh tế, công tác giảm nghèo cần tăng cường giảm nghèo về nhận thức, giáo dục để các trường hợp “thích nghèo” nhận thấy: Địa phương sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng, sự giúp đỡ chỉ mang ý nghĩa để mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn chứ không giúp lâu dài nên cần sử dụng sự giúp đỡ một cách có ý nghĩa và hiệu quả nhất. Ngược lại, đến một lúc nào đó, người ta sẽ không giúp mãi cho những người có sức khỏe mà không lao động. Sự tự tin, ý chí nỗ lực vươn lên thoát nghèo được khơi dậy thì mới loại bỏ được tư tưởng ỷ lại, trông chờ
Đường Loan