Khi TPHCM lấy ý kiến đóng góp đề án chính quyền đô thị, có ý kiến cho rằng, căn bệnh “trên bảo, dưới chăm chú lắng nghe, nhưng không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn” đang tồn tại trong bộ máy ở nhiều địa phương, đơn vị.
Một đồng chí từng giữ chức vụ quan trọng, sau khi nghỉ hưu, đã tâm sự, hồi đương chức, ông rất muốn xử lý tình trạng này nhưng lại vướng cơ chế. Ông kể, thông thường khi chuẩn bị triển khai dự án nào đó, TP phải hỏi ý kiến các sở, ngành; có dự án phải hỏi bộ, ngành chủ quản. Theo ông, cái đó tưởng chừng dân chủ, hóa ra lại trở thành một cơ chế ai cũng có quyền quyết mà không ai chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình. Hưởng lợi thì có nhưng trách nhiệm, nhất là khi xảy ra sự cố hay tham nhũng, tiêu cực, người này lại đổ trách nhiệm cho người kia, đơn vị kia đổ lại cho ngành nọ! Khi nhiều vụ việc đưa ra lấy ý kiến sở, ngành thì lãnh đạo sở, ngành này sẵn sàng chấp thuận những giải pháp mang tính thỏa hiệp để làm hài lòng lãnh đạo sở, ngành kia.
Hệ quả từ những thỏa hiệp “ngầm” với nhau như vậy đã tạo ra kẽ hở cho tiêu cực. Nhiều nhà đầu tư, khổ nhất là nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng, muốn được việc thì họ phải “quan hệ tốt” với tất cả các sở, các ngành, thậm chí là cả bộ, ngành. Mà để “quan hệ tốt” buộc doanh nghiệp phải đi “cửa sau”. Một vị giám đốc sở có nỗi niềm riêng. Ông bảo, chính sự mập mờ giữa trách nhiệm và quyền hạn, giữa các quy định và chuẩn mực đã làm cho ông không ít lần khi đặt bút ký, đều tự hỏi: Không biết có ai qua mặt mình không, nếu triển khai có gây hậu quả gì không (!?). Ông giám đốc giãi bày, ở trong sở, ông phó giám đốc “có nghe, nhưng không làm” thì bản thân ông cũng không thể kỷ luật họ được, bởi việc bổ nhiệm, xử phạt cấp phó không thuộc thẩm quyền của giám đốc. Nếu cấp trên đưa về vị phó giám đốc kém cả về năng lực, phẩm chất thì giám đốc đành chịu, không thể nói: “Tôi không nhận người này đâu, tôi xin trả lại cấp trên”.
Hy vọng sắp tới khi TPHCM áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tình trạng trên sẽ biến mất và thay vào đó là “trên bảo, dưới lắng nghe và làm liền, làm đâu ra đó”.
HUỲNH ĐẠT