Những ngày qua, cộng đồng mạng ở Việt Nam xôn xao trước việc trang mạng xã hội lớn nhất thế giới facebook (FB) hoạt động chập chờn. Rất nhiều tin đồn đã xuất hiện… Mọi việc chỉ sáng tỏ khi chính đại diện của FB lên tiếng xin lỗi về việc hoạt động mất ổn định trong khoảng thời gian qua.
Mấy ngày vắng FB đã cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của trang mạng xã hội này đến đời sống của người Việt. Các bạn trẻ dùng FB như là phương tiện chính để kết nối với bạn bè, tìm kiếm học bổng, trao đổi thông tin, nhiều người khác lại xem đây là môi trường kinh doanh lý tưởng, vừa tiện lại miễn phí… Vắng FB, dù cuộc sống vẫn tiếp diễn nhưng với nhiều người như cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó.
Có điều, sự thiếu vắng này cũng là cơ hội để nhìn lại sự phát triển của một nét văn hóa hiện đại, văn hóa comments (lời bình luận). Có thể nói, FB là sự phát triển mang tính cách mạng cho cuộc sống hiện đại, gắn kết cả thế giới thành một. Thế nhưng, nếu kỹ thuật phát triển mạnh thì rõ ràng sự phát triển của văn hóa không theo kịp.
Ví dụ như mới đây, FB của một cô gái ngoại quốc được một trang web dành cho giới trẻ Việt Nam giới thiệu. Hàng trăm bạn trẻ ùa vào comments, điều đáng nói là có rất nhiều bạn trẻ Việt đã dùng những ngôn từ xấu, mang tính giễu cợt cô gái đó. Có lẽ các bạn đó nghĩ rằng người nước ngoài thì không biết tiếng Việt. Thế nhưng, với công cụ dịch thuật trực tuyến rất phổ biến, chẳng mấy chốc cô gái đó và nhiều bạn bè quốc tế khác đã hiểu được những lời xúc phạm đó. Cô gái đó đã phải viết trên FB của mình những lời: “Tôi không quen biết các bạn Việt Nam, cũng chưa bao giờ gặp bất kỳ ai trong các bạn nhưng tôi thật sự bị sốc vì những lời miệt thị, nhục mạ mà các bạn dành cho tôi. Tại sao các bạn lại có thể nói như thế về một người mà các bạn chẳng hề quen biết…”. Trường hợp một cô gái Thái Lan cũng thế, đến mức mà nhiều người ngoại quốc trên FB đã phải lên tiếng đề nghị những FB người Việt dừng hành vi nói xấu người khác một cách vô lý trên FB.
Thực ra, điều này chẳng có gì mới lạ với nhiều bạn trẻ hiện nay, lợi dụng đặc tính tự do tuyệt đối trên mạng, họ đã dùng công cụ này để xả stress hay chỉ đơn giản là giải khuây, chọc phá bằng cách xúc phạm người khác. Như trường hợp một nữ đại biểu quốc hội trẻ tuổi bị rất nhiều bạn trẻ lên mạng chê bai, miệt thị chỉ vì… cô ấy trẻ và đẹp!
Vắng FB cũng là dịp để nhìn lại những điều tốt cũng như chưa tốt mà công cụ này đem lại cho cuộc sống. FB giúp mọi người gắn kết với nhau hơn, FB làm bộc lộ những mặt trái của xã hội nhưng đồng thời FB cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến một số người trẻ. Ví như sự kiện “Bà Tưng” nở rộ trên mạng vừa qua, một cô gái trẻ, có thân hình xinh đẹp, đã biểu diễn một điệu nhảy khiêu gợi trên FB chỉ với mong muốn nổi tiếng và cô đã thành công dù sự nổi tiếng này chẳng tốt đẹp gì như cô thú nhận là mất hết bạn bè ở quê.
FB xấu hay tốt là do cách mà người sử dụng nó hướng đến. Và ở chừng mực nào đó, nó vô tình đã trở thành công cụ phản ánh văn hóa xã hội mà ở đó, để hội nhập bên cạnh kỹ thuật còn đòi hỏi sự phát triển tương ứng của văn hóa, ít ra là văn hóa giao tiếp trên mạng.
TƯỜNG VY