Sóc Trăng giảm nghèo nhanh và bền vững

Sóc Trăng giảm nghèo nhanh và bền vững

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Sóc Trăng, từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh đã giảm 1% - 2%/năm; riêng giai đoạn 2010-2014, giảm từ 24,31% (cuối năm 2010) xuống còn 12,49% (cuối năm 2014). Đây là giai đoạn tỉnh Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, lồng ghép với các chương trình giảm nghèo bền vững, huy động mọi nguồn lực để giúp hộ nghèo vươn lên no ấm.

Là tỉnh nông nghiệp, Sóc Trăng xác định các nguồn đầu tư từ ngân sách và vốn của các địa phương cần tập trung vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Tính riêng năm 2014, tỉnh đã đầu tư trên 16 tỷ đồng để phát triển sản xuất; 55,7 tỷ đồng xây dựng và duy tu cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; nhân rộng các mô hình giảm nghèo với kinh phí 600 triệu đồng. 2014 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng phát huy lợi thế, chuyển mạnh từ phát triển số lượng sang chất lượng hàng hóa. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,81%/năm, đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh. Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh phê duyệt dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên của tỉnh, trong đó xác định thế mạnh là 5 cây - 5 con và 3 mũi nhọn là lúa, lúa đặc sản, tôm nước lợ, bò sữa… Để nâng tầm các sản phẩm này, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều dự án, như về “Lúa đặc sản” đến nay cơ bản diện tích đã đạt trên 90.000ha. Đối với con tôm, tập trung vào các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi tôm bền vững, ít sử dụng hóa chất, hướng về an toàn sinh học. Đàn bò cũng có dự án đến năm 2020, phải phát triển trên 20.000 con với lượng sữa khoảng 30.00 tấn/ngày”.

Ông Danh Hoàng, ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thoát nghèo nhờ trồng ớt chỉ thiên (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Sóc Trăng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo được các địa phương chú trọng. Bên cạnh hỗ trợ vốn, đất ở, đất sản xuất, tỉnh còn chú trọng kết hợp đào tạo nghề và tạo việc làm, giúp người dân có nền tảng tốt để sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích và tự vươn lên thoát nghèo. Kết quả, giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 132.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% (năm 2010) lên 51% (năm 2015). Thời gian tới, ngoài nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, Sóc Trăng sẽ tăng cường thu hút thêm nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước để tạo thêm nguồn lực về kinh tế; quyết tâm đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.

NGỌC KHUÊ

Tin cùng chuyên mục