Sóc Trăng sẵn sàng vào ngày hội lớn

Từ ngày 14 đến 17-11, sẽ diễn ra Festival đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất. Đây được xem là sự kiện văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ, kết nối với cộng đồng dân cư trong vùng. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng về các bước chuẩn bị cho ngày hội lớn của đồng bào Khmer Nam bộ.

Từ ngày 14 đến 17-11, sẽ diễn ra Festival đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất. Đây được xem là sự kiện văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ, kết nối với cộng đồng dân cư trong vùng. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng về các bước chuẩn bị cho ngày hội lớn của đồng bào Khmer Nam bộ.

* Phóng viên:
Thưa ông, tới thời điểm này, Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer (ĐBSCL) - Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013 đã được chuẩn bị tới đâu?

* Ông TRẦN THÀNH NGHIỆP: Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị cho Festival, cụ thể là các hạng mục trang trí đường phố, tuyên truyền cổ động trực quan nơi công cộng đã thực hiện xong. Sân khấu lễ khai mạc đang được xây dựng và các nghệ sĩ đang tổ chức luyện tập những tiết mục cuối cùng. Hội chợ triển lãm đã cơ bản hoàn thành việc bố trí trưng bày sản phẩm tại các gian hàng. Đặc biệt, một số hoạt động trong khuôn khổ Festival đã được triển khai từ ngày 11-11 như: Hội thao dân tộc, hội thi trang phục 3 dân tộc, liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam bộ... Có thể nói, đến nay, tất cả các khâu chuẩn bị đều đã cơ bản hoàn thành.

* Ông có thể cho biết điểm nhấn cũng như thông điệp chính của Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013?

* Festival được tổ chức nhằm giới thiệu cho mọi người về những giá trị văn hóa riêng của người dân Khmer đang sinh sống tại địa phương; đồng thời cũng hiểu được sự đan xen giữa những sắc thái văn hóa đó qua những hình ảnh được trưng bày tại triển lãm, qua Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam bộ, qua những món ăn tại liên hoan ẩm thực, những tiết mục nghệ thuật được biểu diễn hàng đêm, qua việc đồng bào các dân tộc cùng nhau tham dự lễ hội...

Trong đó, hoạt động quan trọng nhất của Festival chính là Giải đua ghe ngo. Giải đấu được tổ chức theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nhưng với quy mô lớn hơn nhiều so với các năm trước đây, gồm 62 đội (49 nam, 13 nữ), trong đó có 15 đội mạnh đến từ các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL. Do vậy, giải đấu lần này sẽ là sự cạnh tranh rất quyết liệt ngay từ vòng đầu cho đến vòng chung kết giữa các đội tham gia.

* Nhân sự kiện Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013, ông có thể nói vài nét chính về đời sống văn hóa - kinh tế của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer ở ĐBSCL?

* Như chúng ta đã biết, tập quán của người Khmer Nam bộ là sinh sống ở các vùng nông thôn gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp; tập trung đông đúc nhất là ở khu vực xung quanh các ngôi chùa Khmer. Cũng như cộng đồng các dân tộc khác đang sinh sống tại Việt Nam, văn hóa đồng bào dân tộc Khmer đang sống tại ĐBSCL đã hình thành lâu đời, có tính độc lập, vừa mang đậm tinh thần của dân tộc mình, vừa có nét đặc trưng của bản địa, đồng thời cũng có sự giao thoa, tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa khác.

Riêng tại Sóc Trăng, nét độc đáo của văn hóa tại địa phương là sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với những giá trị văn hóa của đồng bào Kinh, Hoa và ngược lại. Đồng bào thuộc các dân tộc sinh sống đan xen lẫn nhau trong khu vực; qua thời gian, họ đã học tập, kế thừa có lựa chọn và phát triển những nét tiêu biểu, nổi bật, phù hợp với thực tế hiện nay của từng nền văn hóa, kể cả trong đời sống, trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán.

Về kinh tế, nhìn chung còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Khmer vẫn cố gắng để tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt là trong những năm gần đây, với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chính sách khác nhau, các hộ dân đã thay đổi được những tập quán lạc hậu, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất; từ đó đã có nhiều hộ thoát nghèo và số hộ khá, giàu cũng ngày càng tăng hơn.

CAO PHONG thực hiện

Tin cùng chuyên mục