
Mùa mưa đến bắt đầu bằng những cơn mưa lớn, dầm và nặng hạt báo hiệu cho mùa gieo sạ lúa bắt đầu và cũng là thời điểm lý tưởng để đi soi ếch, bắt cá mùa nước nổi.
- Đi rình “ếch hội”

Soi ếch
Những cơn mưa lớn đầu mùa dai dẳng làm mọi người có cảm giác bao nhiêu nước ở các đám mây trên bầu trời đều được trút xuống hết mặt đất. Mưa nặng hạt, tạnh rồi lại mưa. Dòng nước tràn đầy những đám ruộng khô nứt nẻ từ mấy tháng nay, chảy ào ào xuống các mương, đìa, ao. Người dân trong xóm (xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) mang lưới chặn cửa cống ao nuôi cá ngăn không cho cá theo dòng nước ra ruộng. Mùa nước nổi ở quê tôi được báo hiệu như vậy. Ngồi trong nhà nghe mưa rơi hòa trong tiếng ếch “ộp ộp” khắp nơi, tôi háo hức chờ trời tối đi soi ếch.
Vừa xong bữa cơm chiều, Hận, thằng bạn thân có tài “sát cá, ếch”, gọi điện thoại: “Nước nổi rồi, chuẩn bị đồ nghề đi soi ếch nhe”. Chỉ một lúc sau, Hận đã có mặt với dụng cụ soi ếch: một cái bình ắêc quy 12 vôn và bộ đèn đội đầu, giỏ, nơm, cây chĩa 6 mũi có cán dài 2 thước. Hai đứa lội ra đám ruộng sau nhà. Soi ánh đèn bình loang loáng, chúng tôi lội bì bõm. Lớp đất mặt khô bấy lâu nay gặp nước cứ mềm, xốp đi không lấm chân. Đây đó cơ man nào là ánh đèn bình của những người đi soi bất chấp cơn mưa nhỏ hạt vẫn còn.
Khắp nơi tiếng ếch kêu rộn rã. Mưa đầu mùa là thời điểm loài ếch tập trung sinh đẻ mà người dân quê còn thường gọi là mùa “ếch hội”. Từ trong các hang, ngõ ngách trong các vuông, bụi rậm... những nàng ếch cái chui ra, kêu vang tìm các chàng ếch đực giao phối ngay trên những đám ruộng xâm xấp nước mưa. Đây là lúc ếch dễ bắt được nhất vì các con ếch đang “mải mê” quên cả việc đề phòng. Thằng Hận chỉ cần nghe tiếng ếch kêu ở đâu thì pha đèn rọi vào đó, lội nhanh đến nơi, dùng tay hoặc nơm chụp xuống là có ngay chú ếch bỏ vào giỏ. Nghe thì đơn giản nhưng từ lúc phát hiện ra con ếch, cho đến khi chụp được đòi hỏi người bắt phải hành động nhanh nhẹn, đặc biệt phải luôn giữ ánh đèn rọi vào mục tiêu. Ánh đèn làm con ếch gần như bị thôi miên nên không kịp chạy trốn. Ngoài những con ếch lẻ, Hận còn bắt được vài cặp ếch đang đeo với nhau. Những con ếch cái thường to gấp 3 lần ếch đực và bụng đầy trứng.
Những tay soi ếch giỏi còn phân biệt được mắt ếch màu đỏ so với màu mắt xanh của các loại ễnh ương, cóc nên không nhầm khi bắt. Một số người còn có “chiêu” độc đáo là sau khi bắt được vài cặp ếch, dùng các con này như “ếch mồi” để dụ các con ếch khác tìm đến để bắt. Sau gần 4 giờ đồng hồ rình các đám ruộng gần các vuông và gò, Hận bắt được 13 con ếch. Còn nhóm Tèo, Phong, Út ở xóm ngoài, mỗi người soi được 15-20 con. Tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây), các nhóm soi kỳ cựu như anh Ba Vũ, Ba Cuội, ai cũng cũng soi được từ 5-10kg ếch, bán với giá 25.000 đồng/kg tại chợ Bình Tây. Theo các tay đi soi kỳ cựu thì ếch trong mùa mưa năm nay ít hơn so với những năm trước đây.
- Bảo tồn “gà đồng”

Lựa chọn những chú ếch mập mang ra chợ bán.
Theo cách chế biến của người dân quê tôi, thịt ếch có thể chế biến thành các món xào lăn, hấp, luộc, xé phay, nướng... Ếch đầu mưa rất mập, béo ngậy, ruột ếch lại sạch, là món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là dân nhậu. Mấy ngày đầu mùa nước nổi, đi đến các chợ đều thấy có bán ếch. Các chú ếch da nâu, da xanh và có cả da vàng được người bán dùng sợi dây chuối, dây nylon cột ngang bụng thành từng xâu.
Một kg ếch hiện nay ở các chợ xã, huyện của Tiền Giang có giá 20-25 ngàn đồng tùy theo số lượng con/kg. Ếch loại 1 (5-7 con/kg) giá 25.000 đồng/kg, loại 2 (8-12 con/kg) 20-22 ngàn đồng/kg. Trước đây, thịt ếch chỉ tồn tại trên mâm cơm của các gia đình nông thôn với các món ếch xào đọt chùm ruột, nấu cari, xào xả ớt, xào mướp... thì nay đã xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng, quán nhậu với các món ếch chiên bơ, xào lăn có giá khá đắt từ 30-40 ngàn đồng/dĩa. Cũng chính vì thịt ếch (dân nhậu còn thường gọi “gà đồng”) đang trở thành đặc sản được ưa chuộng nên ếch có giá và ngày càng có nhiều người đi bắt ếch để bán. Điều này đã làm cho lượng ếch ngày càng giảm đi.
Ba tôi năm nay đã 65 tuổi, cũng là một tay đi soi ếch cừ khôi cách đây 20 năm, tiếc rẻ: “Lúc đó, ếch ở ruộng nhiều vô số kể. Đầu mùa mưa người ta đi soi chỉ cần dùng bó đuốc đốt sáng hoặc đèn lồng (cây đèn chong để vào thùng thiếc) bắt cũng được vô số vì ếch đeo cặp nhiều ở các đám ruộng xâm xấp nước. Lúc bấy giờ ếch bắt về chỉ để dành ăn vì ai cũng đi bắt nên khỏi mua bán.” Lý giải về nguyên nhân làm loài ếch đang ngày khan hiếm, nhiều lão nông trong xã cho rằng là do nhiều người đi bắt ếch bằng cách câu, chỉa, nghéo ếch... nghĩa là bắt suốt năm chứ không đợi đến lúc ếch trưởng thành hoặc đến mùa mưa. Hơn nữa, trước tình trạng người dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu khi trồng lúa đã làm môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự sinh sản và sinh trưởng của loài ếch. Nguy hiểm hơn, ở nhiều nơi khác, các thợ câu ếch còn dùng “mồi thuốc” (làm bằng loại thuốc tự chế) để câu ếch, bắt sạch từ lớn đến bé không chừa con nào.
Đi soi ếch mùa nước nổi năm nay, tôi thấy mừng khi vẫn còn nghe tiếng ếch kêu và thấy được sự tồn tại của những con ếch đồng vốn đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân khi sinh ra và lớn lên ở đồng quê Tôi cũng mừng khi thấy nhiều người dân ở quê tôi khi bắt ếch đã thả đi những con ếch nhỏ hoặc vớt bỏ xuống nước những đám trứng ếch đã đẻ trong thùng nhốt ếch. Tuy nhiên, ý thức và hành động để bảo vệ loài ếch của một số ít người dân hãy còn chưa đủ nếu như ngành chức năng không có những khuyến cáo cần thiết, kịp thời trước khi loài ếch đồng tuyệt chủng.
Nguyễn Hữu Chí