Lan tỏa phong trào nuôi heo đất
Tại ngày hội truyền thống khuyến học tổ chức mới đây ở TPHCM, GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết phong trào nuôi heo đất giúp bạn vượt khó là một trong những sáng kiến điển hình của TPHCM. Từ mô hình thí điểm ban đầu tại một thành phố, đến nay phong trào đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, kể cả các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Ngày hội khui heo đất đã trở thành một trong những hoạt động giáo dục hàng năm của các đơn vị, tạo nguồn kinh phí thường xuyên giúp đỡ nhiều trường hợp học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Ghi nhận tại quận 7, năm học 2017-2018, có 42/43 trường công lập tổ chức ngày hội khui heo đất. Quận 12 cũng có 57/58 trường tham gia. Trong đó, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (phường Hiệp Thành, quận 12) dù nằm trên địa bàn dân cư lao động, mặt bằng kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ biết cách tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh cùng tham gia nên kết thúc năm học 2017-2018, số tiền thu được từ nuôi heo đất dẫn đầu toàn quận. Tương tự, tại Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2), trong năm học 2017-2018 “nuôi” được 134 heo đất với tổng số tiền thu được hơn 446 triệu đồng. Với Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết (quận Thủ Đức), đợt tổng kết phong trào nuôi heo đất khuyến học vừa qua, toàn trường thu được 267,5 triệu đồng.
Đặc biệt nhất, tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), dù mỗi bậc học chỉ có một trường học, đời sống thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn, cuối năm 2016 chưa có bất kỳ tổ chức khuyến học nào hoạt động, nhưng chỉ sau 2 năm chuyển mình, đến nay đã có 3 chi hội khuyến học trong trường phổ thông được thành lập. Tính đến tháng 5-2018, quỹ khuyến học đã trao 430 suất học bổng với tổng số tiền hơn 627 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng tổ chức thêm các hình thức gây quỹ khác như đêm văn nghệ bán vé gây quỹ học bổng, tặng sách và dụng cụ học tập đã qua sử dụng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cho người học vay không tính lãi suất...
Kết hợp chăm lo về tinh thần cho học sinh
Theo các thầy cô, phong trào nuôi heo đất là một trong những cách làm giúp phát huy mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngoài việc giáo dục học sinh ý thức về sự chia sẻ, biết lắng nghe, giúp đỡ người khác, hoạt động còn rèn cho các em thói quen tiết kiệm, biết sử dụng đồng tiền vào những mục tiêu hợp lý. Hàng năm vào dịp khai giảng, các trường đều tổ chức đập heo, tổng kết phong trào nuôi heo đất của năm học trước, đồng thời phát “heo giống” với số lượng một con/lớp để các lớp tiếp tục quyên góp.
Tuy nhiên, để việc hỗ trợ thực sự hiệu quả, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết ngoài việc trao học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhà trường còn kết hợp vận động các thầy, cô giáo thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho học sinh. “Bởi nếu đời sống tinh thần, tâm sinh lý các em bất ổn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học tập. Vì vậy, hỗ trợ học phí chỉ là điều kiện cần, sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của giáo viên mới là điều kiện đủ, giúp các em có thêm nghị lực vượt qua khó khăn”, ông Phú bày tỏ.
Mặt khác, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, chi hội khuyến học trong mỗi trường phổ thông cần xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài, tuyên truyền đến từng gia đình, cha mẹ học sinh để nhận được sự ủng hộ, chung tay đóng góp từ nhiều nguồn lực, góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài tại các trường phổ thông.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, mong muốn các đơn vị tiếp tục vận động ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng. Đồng thời, thông qua hoạt động câu lạc bộ khuyến tài chăm lo, tạo điều kiện, môi trường cho học sinh, sinh viên nhận học bổng được giáo dục rèn luyện lý tưởng, đạo đức và lối sống để các em trở thành những thanh niên có tri thức, nghề nghiệp, có ý thức chăm lo cho bản thân và gia đình, biết quan tâm phục vụ cộng đồng, phụng sự xã hội. |