(SGGPO).- 40 thí sinh nổi trội nhất từ gần 130.000 thí sinh dự thi đã chính thức bước vào vòng Bán kết 2 cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 5 tại Trường Đại học Kinh tế (quận 3, TPHCM). Tại vòng thi này, rất nhiều câu chuyện ước mơ đã được các bạn học sinh tự tin thể hiện thuyết phục trước Ban giám khảo.
Câu chuyện ước mơ
Với sự trợ giúp của các phương tiện như Powerpoint, video clip, bảng viết... 40 thí sinh lần lượt hùng biện về nghề nghiệp trong thời gian tối đa 5 phút và phản biện với Ban Giám khảo về các vấn đề liên quan đến ngành nghề mơ ước.
Năm nay, ngoài những ngành nghề quen thuộc như bác sĩ, dược sĩ, giáo viên, doanh nhân, giám đốc, công an, kỹ sư… còn có rất nhiều ngành nghề được thí sinh mang đến cuộc thi như: chuyên gia tư vấn di truyền, chuyên viên lên kế hoạch tổ chức đám cưới (Wedding Planer), lính cứu hóa, tác giả - họa sĩ truyện tranh, vũ công, biên đạo múa, nhân viên cứu hộ động vật hoang dã, nhà sản xuất phim hoạt hình, chính trị gia, đạo diễn, nhà nghiên cứu về sinh học tế bào và phân tử, kỹ sư hàng không…
Thí sinh Phạm Thị Nhật Lệ (Trường THPT Đào Sơn Tây, TPHCM) với ước mơ trở thành chuyên viên cứu hộ động vật hoang dã. Ảnh: Võ Thắm
Khi còn nhỏ, thí sinh Nguyễn Đoàn Thanh Vân (học sinh lớp12A3 Trường THPT Lê Hồng Phong, Lâm Đồng) ao ước mình sẽ trở thành ca sĩ, nhà ảo thật gia, đầu bếp, và thậm chí là siêu anh hùng như trong phim hoạt hình. Đến một ngày, Vân nhận ra ước mơ của mình là trở thành một giáo viên tiếng Anh. “Vào năm em đang học lớp 6, khả năng ngoại ngữ của em thực sự không giỏi. Cũng chính cuộc sống ở Tây Nguyên còn chưa phát triển nên việc học tiếng Anh hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng rồi một ngày, em chứng kiến cuộc “đối thoại” giữa một vị khách du lịch nước ngoài và một chú ở tiệm sửa xe máy nhưng không ai hiểu người đối diện đang nói gì. Họ nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh trong đó có cả em nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Sau lần đó, một khao khát mãnh liệt cuộn trào trong lòng em là trở thành một giáo viên tiếng Anh, không phải chỉ để có thể nói chuyện với người nước ngoài, làm cầu nối cho hai nền văn hóa mà hơn cả đó chính là mang tiếng Anh, ngôn ngữ chung của toàn thế giới, đến với những người dân lao động, những người học trò nghèo nơi quê hương yêu dấu của mình”, Vân kể.
Thí sinh Nguyễn Đoàn Thanh Vân hùng biện về ước mơ trở thành một giáo viên tiếng Anh. Ảnh: Võ Thắm
Còn thí sinh Nguyễn Phạm Thảo Uyên (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Tam Hiệp, Đồng Nai) làm nhiều người bất ngờ khi chia sẻ về ước mơ trở thành một chuyên gia tư vấn di truyền. “Sau mỗi lần tìm hiểu về một căn bệnh hiểm nghèo là mỗi lần em biết yêu thương, cảm thông với những người mắc phải căn bệnh đó… Nếu mọi người đã từng nhìn thấy những em bé mang trong mình những căn bệnh di truyền quái ác, những ánh mắt vô hồn, cơ thể quằn quại, những tiếng nấc lên trong đau đớn của bệnh tật thì có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy xót xa, thương cảm. Khi đó, em biết rằng mình nhất định phải trở thành một chuyên gia tư vấn di truyền để góp sức mình giảm thiểu những nỗi đau đó”, Uyên chia sẻ về lý do chọn ước mơ này.
Thảo Uyên chia sẻ kế hoạch để trở thành một chuyên gia tư vấn di truyền. Ảnh: Võ Thắm
Thí sinh Huỳnh Ngọc Bảo Châu (học sinh lớp 11A4 Trường THPT Phạm Văn Đồng, Phú Yên) mang đến cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 5 ước mơ được trở thành một Wedding planner. Năm ngoái, Châu từng vào bán kết cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 4 với mơ ước trở thành bác sĩ đa khoa. Tạm gác ước mơ bác sĩ, Bảo Châu chọn Wedding planner và cho rằng ước mơ này thực tế, phù hợp với năng lực bản thân hơn. Châu gọi ước mơ của mình là hành trình chinh phục con đường hạnh phúc. Xác định Wedding Planner chỉ dành cho ai đủ đam mê, sáng tạo và kiên nhẫn, Châu chuẩn bị khá kỹ khi theo đuổi ước mơ này. Ngay từ mùa hè năm 2016, Châu đã cố gắng học tập thật tốt và tìm hiểu ngành nghề một cách nghiêm túc, tham gia làm thêm tại một số studio tại Phú Yên.
Nhiều ước mơ sát thực tế
Ngoài 3 phần thi của Thanh Vân, Bảo Châu, Thảo Uyên… các phần thi của 37 bạn còn lại vô cùng sôi nổi. Không chỉ tự tin hùng biện, các thí sinh còn đóng vai, mặc trang phục của ngành nghề mình chọn để hùng biện sinh động.
Thí sinh Đặng Minh Đức (Trường THPT Chuyên Quang Trung, Bình Phước) trình bày ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý. Ảnh: Võ Thắm
Thí sinh Mai Nguyễn Hoàng Nam (Trường THPT Chuyên Bình Long, Bình Phước) tự tin hùng biện ước mơ trở thành kỹ sư điện tử. Ảnh: Võ Thắm
Phần thi của thí sinh Phù Ngọc Thanh (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) với ước mơ trở thành dược sĩ. Ảnh: Võ Thắm
Nói về chất lượng của các thí sinh tại vòng bán kết 2, ông Dương Thành Truyền – Thành viên Ban giám khảo, Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Trẻ, nhận định: “Tôi thấy thí sinh càng ngày bản lĩnh, có sự chuẩn bị tốt hơn. Năm nay, có một số em rất đa tài: có em ước mơ làm bác sĩ nhưng bản thân em chơi được đàn violon, có em ước mơ làm phiên dịch viên tiếng Hàn nhưng em đã và đang sáng tác tiểu thuyết; cũng có em đã từng sáng tác truyện tranh… Chúng tôi thấy rằng các em năm nay ăn nói lưu loát, biết cách thể hiện ước mơ, mạnh dạn nêu lên những điều mình ấp ủ… Và đặc biệt, các em ngày càng cụ thể hóa được những điều, những mục tiêu để tiến đến ước mơ”.
Kết thúc bán kết 2, các phần thi thuyết trình của thí sinh được ghi hình và sau đó được tổ chức bình chọn thông qua website của cuộc thi www.thuchienuocmo.vn. 10 thí sinh có kết quả cao nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết.
Thí sinh xuất sắc nhất sẽ giành được suất học bổng cử nhân tại Trường Đại học Western Sydney (Úc) trị giá tối thiểu 75.000 đô la Úc, 10 triệu đồng tiền mặt và các phần thưởng khác; 2 thí sinh về nhì và 2 thí sinh về ba sẽ nhận được suất học bổng du học hè tiếng Anh tại Đại học Western Sydney, Úc trị giá 7.500 đô la Úc và các phần thưởng khác. |
VÕ THẮM