Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay còn quá nhiều bất cập trong vấn đề tiền lương cũng như việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, trong đó cán bộ công đoàn, với vai trò bảo vệ quyền lợi người lao động dù có tâm huyết cũng chưa đủ mạnh để bảo vệ được người lao động, vì thiếu cơ chế.
* PV: Thưa bà, thực tế là hiện nay tiền lương dù chạy theo cũng không đuổi được tốc độ trượt giá?
* Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Chính phủ đã có nhiều chính sách để giảm thiểu tác động lạm phát đối với người lao động như miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp da giày, dệt may, hỗ trợ tiền điện cho người nghèo... Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, còn lạm phát 15%-17% như hiện nay, người lao động chịu tác động rất nhiều. Để giải quyết những khó khăn của người lao động, cần tiến tới những giải pháp lâu dài, bền vững hơn, đặc biệt là vấn đề tiền lương.
Cuối năm nay, Chính phủ sẽ trình dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, và đó là cơ hội tốt để chúng ta xem xét toàn bộ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc của người lao động cũng như quan hệ lao động để có những chính sách phù hợp hơn với thị trường lao động 10 năm tới.
* Những chính sách lâu dài cụ thể là gì?
* Theo tôi, cải thiện điều kiện lao động là một vấn đề hết sức quan trọng. Năm nay, chính sách của Nhà nước đã điều chỉnh khá phù hợp khi thấy tình hình có khó khăn. Lẽ ra năm 2012 chúng ta mới sáp nhập mức lương ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao, Chính phủ đã đi trước 1 năm trong lộ trình cải cách tiền lương, thống nhất mức lương của các khu vực doanh nghiệp ngay từ 1-10-2011, chứng tỏ Nhà nước đã quan tâm đến người lao động.
Quốc hội cũng dự kiến đưa tiền lương vào trong chương trình xây dựng pháp lệnh của nhiệm kỳ này, đó là Luật Tiền lương tối thiểu. Khi luật này ra đời, sẽ có những quy định pháp luật để bảo vệ được người lao động yếu thế, có khả năng chịu rủi ro cao. Rõ ràng, trong những năm tới cần phải tiếp tục định hình chính sách để xây dựng được quan hệ lao động tốt hơn. Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ thiên về người lao động mà cũng cần quan tâm đến chủ sử dụng lao động. Nhưng bên nào yếu thế hơn thì Nhà nước phải hỗ trợ để có sự cân bằng mối quan hệ.
* Thưa bà, “phần lớn các cuộc đình công hiện nay đều là do tiền lương thấp”, vậy cần giải quyết bài toán này thế nào?
* Hiện nay căn cứ để đưa ra các mức đề xuất tăng lương (của Bộ LĐTB-XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam) đều chưa thực sự thuyết phục. Các cơ quan Chính phủ cần nghiên cứu để đưa ra được mức sống tối thiểu, mức sống bình quân từng khu vực là như thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ những đề xuất tăng lương của Chính phủ hay Tổng LĐLĐ Việt Nam đều chưa được xây dựng trên căn cứ hoàn toàn đầy đủ. Việc này cần phải được xử lý tiếp.
Tới đây, quá trình đưa những quy tắc trong xây dựng tiền lương trong Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ phải dựa trên việc tính toán hàng năm trong từng thời điểm về mức sống trung bình, mức sống tối thiểu và những mức đó phải được công bố. Bộ luật sẽ phải có những quy tắc và dựa trên đó, người ta xây dựng cách tính toán cho hợp lý hơn khi điều chỉnh lương.
PHAN THẢO thực hiện