Sớm có phương án bảo vệ di chỉ Bàu Tró

Di chỉ khảo cổ Bàu Tró (phường Hải Thành, TP Đồng Hới, Quảng Bình) đang bị xâm hại bởi rác thải từ những chuyến dã ngoại của không ít người thiếu ý thức. 
Toàn cảnh Bàu Tró nhìn từ trên cao. Ảnh: baoquangbinh.vn
Toàn cảnh Bàu Tró nhìn từ trên cao. Ảnh: baoquangbinh.vn

Bàu Tró được bảo vệ bởi một vành đai rừng phòng hộ xanh mướt, nhưng cách con người đến với di chỉ này không đúng tầm trứ danh của nó. Bảo vệ rừng chuyên trách Phạm Anh Tuấn, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đồng Hới, cho biết, cuối tuần, thường có nhiều nhóm học sinh, phụ huynh đến dã ngoại, sau khi ra về thường để lại nhiều rác thải.

Một số nơi trên nền cát Bàu Tró lấp ló những mảnh gốm lộ thiên, là bằng chứng xa xưa của người nguyên thủy sinh sống, trong khi con người ngày nay để lại rất nhiều loại rác như túi ni lông, dép, chiếu, chai nhựa, vỏ lon nước, hộp sữa và nhiều thứ gây hại cho môi trường. Trước cửa vào hồ Bàu Tró, địa phương cho dựng một tấm bia nói về di chỉ Bàu Tró được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, tấm bia đã lâu, hằn lên những nét vẽ loang lổ của những người thiếu ý thức, chưa được sơn lại một cách chỉn chu. 

Nhà nghiên cứu Trần Thị Diệu Hồng cho biết: “Di chỉ Bàu Tró dày đặc hiện vật và giá trị văn hóa, ẩn bên trong sự phong phú, đa dạng. Mỗi mét vuông đất đều là dấu chỉ của tổ tiên cha ông để lại từ thời nguyên thủy, nên cần được đánh thức bằng các cuộc khảo cổ học mới và cần bảo vệ một cách bài bản, có văn hóa vì di chỉ độc đáo này không chỉ cổ xưa mà hiện còn là hồ nước ngọt cấp nước cho hàng chục ngàn người dân Đồng Hới”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, cho hay, đã có ý tưởng phát huy tốt cảnh quan nơi đây. Do hồ Bàu Tró là hồ nước ngọt, cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân Hải Thành, Đồng Mỹ, nên chưa có phương án tối ưu.

Nhà sử học - TS Nguyễn Khắc Thái, người am hiểu lịch sử Quảng Bình, chia sẻ: “Để phát huy di chỉ Bàu Tró, không nên để rác tấn công nơi đây. Chúng ta có thể làm một hồ nước mới, bằng hồ Bàu Tró nhằm bảo vệ hồ chính, mở thêm một con đường ra biển, bởi lẽ không nơi nào có hồ nước ngọt cách bờ biển vài trăm mét. Như thế, sẽ bớt sự đơn điệu với biển Nhật Lệ. Cùng với đó, Quảng Bình nên nghiên cứu làm đường đi dạo lát đá hoặc gỗ vòng quanh hồ Bàu Tró cho người dân đến tham quan, bớt tác động trên nền di chỉ”.

Trước những đề xuất này, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ghi nhận: “Chúng tôi tiếp thu những ý kiến chính đáng và đang giao Sở VH-TT tỉnh đánh giá thực trạng, đề xuất làm việc với Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) để có chủ trương huy động nguồn lực làm công tác bảo vệ, khảo cổ, khai thác và phát huy giá trị di sản Bàu Tró”.

Hồ Bàu Tró là một thắng cảnh của TP Đồng Hới với dung tích 3,6 triệu m3, cấp nước cho hàng chục ngàn hộ dân địa phương. Năm 1980, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Tổng hợp Huế tổ chức khảo cổ di chỉ Bàu Tró lần thứ 2, thu về gần 12.000 hiện vật, đều liên quan người nguyên thủy hậu thời kỳ đồ đá mới với các tầng văn hóa đa dạng, phong phú.

Tin cùng chuyên mục