Mặc dù đang phải thực hiện giãn cách xã hội với nhiều mức độ khác nhau để phòng chống dịch Covid-19 nhưng TPHCM vẫn thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng. Một động thái có vẻ không “ăn nhập” với tình hình hiện tại khi người dân được khuyến khích ở nhà làm việc, nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là quyết định đúng đắn.
Bởi lẽ, đây là việc cần làm trong bối cảnh TPHCM đang dần hoàn thành dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1, chuẩn bị đầu tư tuyến metro số 2, tuyến BRT số 1… nên có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, hoàn thiện để hệ thống vận tải trị giá hàng tỷ USD này hoạt động hiệu quả, góp phần chống ùn tắc giao thông, trong bối cảnh hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TPHCM cần tìm hướng giải quyết sau gần 10 năm liên tục sụt giảm số lượng khách.
Tuyến BRT đầu tiên hoạt động ở TP Hà Nội cũng từng được kỳ vọng làm nên kỳ tích: chuyên chở được nhiều khách với thời gian chuẩn. Thế nhưng, do vẫn có nhiều loại xe khác chạy vào làn đường dành riêng cho BRT nên nhiều chuyến BRT không đảm bảo lộ trình. Chưa kể, vẫn còn thiếu các tuyến buýt kết nối đồng bộ với tuyến BRT này nên BRT ở TP Hà Nội đã không thể thu hút được lượng khách lớn mong muốn. Tuyến BRT đầu tiên của TPHCM phải làm sao để tránh được những vướng mắc như của tuyến BRT ở Hà Nội? Các cơ quan chuyên môn của TPHCM phải tìm được câu trả lời này trước khi BRT số 1 vận hành.
Để người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng một cách thuận tiện nhất, nhiều nước đã thống nhất “chỉ 1 loại vé” cho tất cả loại hình vận tải, từ metro đến BRT, xe buýt… TPHCM nhất thiết phải hoàn tất mô hình này 1 loại vé này khi tuyến metro số 1 đi vào vận hành.
Một trong những tồn tại lớn nhất của xe buýt thành phố trong thời gian qua là không đảm bảo lộ trình do bị “vây” trong dòng xe cá nhân. Việc này cũng cần được giải quyết sớm để hệ thống vận tải hành khách công cộng nói chung vận hành trơn tru - đặc biệt là xe buýt phải đến đúng giờ để đón và trả khách từ metro hoặc BRT. TPHCM đã dự kiến làm 2 tuyến đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ để giải quyết tồn tại này, và nay nên bắt đầu triển khai.
UBND TPHCM cũng giao các sở ngành chức năng nghiên cứu hình thành các đầu mối giao thông để kết nối đồng bộ metro, BRT và xe buýt. Nội dung này phải triển khai khẩn trương, khi quỹ đất cần thiết không nhỏ.
Trưa ngày 20-6-2021, đoàn tàu số 4 và 5 của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã cập cảng Khánh Hội, TPHCM. Không được “đón tiếp long trọng” như các đoàn tàu khác nhưng việc này cho thấy, bất chấp dịch bệnh, TPHCM vẫn quyết tâm đưa tuyến metro số 1 vào vận hành đúng kế hoạch. Điều này đồng nghĩa, yêu cầu hoàn thiện tất cả điều kiện cần thiết để metro hoạt động hiệu quả, thật sự đang rất cấp bách.
Chính phủ đã vay và cho TPHCM vay lại hàng tỷ USD để phát triển vận tải hành khách công cộng. Do đó, yêu cầu phải khai thác hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng không chỉ giúp TPHCM giải quyết vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường do khí thải của các phương tiện vận tải mà còn là điều kiện tiên quyết giúp thành phố trả nợ đúng, đủ cho Chính phủ và các nhà tài trợ khác.