Miền Trung với địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở mỗi khi có mưa lũ. Thế nhưng, với tập tục sinh sống lâu đời cũng như những khó khăn nên người dân vẫn phải chọn cách tựa lưng vào núi để dựng nhà, một cách định cư “lợi bất cấp hại”. Đây là mối ẩn họa vô cùng nguy hiểm mà người dân đang phải đối mặt hàng ngày khi liều mình sống dưới “lưỡi hái tử thần”.
Nhà sập còn bị cô lập
Thôn Chấn Sơn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) với gần 100 hộ dân sinh sống ngay dưới chân núi Chấn Sơn từ bao đời nay. Theo nhiều người dân cho biết, cứ mỗi mùa mưa lũ đến là thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở. Ngọn núi Chấn Sơn bắt đầu sạt lở từ năm 2009, nguyên nhân do tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy khiến bề mặt quả đồi bị “trọc” và xói lở.
Dù đã hơn nửa tháng trôi qua, kể từ ngày nhà ông Hồ Văn Phú ở thôn Trà Khương (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) bị đất đá vùi lấp, nhưng khi gặp chúng tôi, ông Phú vẫn chưa hết bàng hoàng khi thoát chết trong gang tấc. Ngồi trong căn nhà tạm được dựng vội sau vụ sạt lở núi Càzút, ông Phú nhớ lại, ngày 7-12, do mưa lớn kéo dài, ông sợ vợ con bị ảnh hưởng nên đưa đi nơi khác lánh nạn. Do tập tục không bỏ nhà trống nên ông Phú quay lại nhà cũ. Vào khoảng 21 giờ, trong lúc đang lúi húi nhóm lửa thì ông nghe một tiếng nổ lớn trên đỉnh núi Càzút. Biết chuyện chẳng lành, ông chạy vội ra cửa, ngay sau đó hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống, vùi lấp nhà ông. “Nếu hôm đó còn vợ con ở nhà thì không biết chuyện gì đã xảy ra, sự việc diễn ra bất ngờ và quá nhanh...”, ông Phú nói.
Những vụ sạt lở núi làm sập nhà người dân sống phía bên dưới
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở nghiêm trọng ở các huyện miền núi 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Riêng tại tuyến đường Đông Trường Sơn, đoạn qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã có 16 điểm sạt lở núi lớn với khối lượng đất đá lên đến gần 34.000m3 gây ách tắc, chia cắt hoàn toàn xã Sơn Long và xã Sơn Bua. Mưa lớn cũng làm sạt lở núi trên một số tuyến đường về các xã Sơn Tinh, Sơn Lập khiến hơn 600 hộ dân với trên 2.100 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày liền.
Còn tại tuyến đường tránh đi từ huyện Bắc Trà My qua huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), sau đợt mưa lũ kéo dài đã dẫn đến sạt lở núi, với gần chục điểm bị ách tắc giao thông. Sau mưa lũ, lực lượng chức năng địa phương đã ngăn không cho xe qua lại vì nguy hiểm. Học sinh đến trường phải có người lớn cõng qua. Người dân sống trong vùng chịu đói khát nhiều ngày liền; chính quyền muốn tiếp tế cũng rất gian nan.
Anh Nguyễn Thế Lập, Hạt Quản lý Đường bộ Trường Sơn Đông, cho biết, đơn vị đang cố gắng khắc phục các điểm sạt lở nhưng do khối lượng đất đá quá lớn nên không thể khắc phục nhanh được. Công nhân đang làm ngày làm đêm nhưng xem ra với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, mưa tiếp tục diễn ra thì khó có khả năng thông tuyến hoàn toàn trước Tết Dương lịch.
Loay hoay tìm biện pháp
Ông Phan Văn Ân, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, cho hay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ dân, khu dân cư sống dưới các chân núi. Điều này rất nguy hiểm khi mỗi mùa mưa lũ đến. “Chúng tôi cũng đã làm đơn trình lên trên đề nghị di dời gấp, chứ để xảy ra tình trạng như ở xã Trà Lâm vừa rồi là rất nguy hiểm. Nhưng ngặt nỗi, người dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, họ sống dựa vào núi rừng quen rồi, nên giờ rất khó thuyết phục di dời đi nơi khác. Giờ biện pháp hữu hiệu nhất là nhờ vào uy tín của các già làng. Chỉ có những người này mới nói được họ nghe và làm theo. Nhưng còn một vấn đề nữa, đó là kinh phí, bởi để di dời hàng ngàn hộ dân không phải đơn giản”, ông Ân bộc bạch.
Trong khi đó, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Việc di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm mặc đã có chủ trương từ rất lâu. Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách, nhưng với những khó khăn trong việc tìm chỗ tái định cư, kinh phí hỗ trợ người dân hạn hẹp nên mỗi năm tỉnh cũng chỉ đi dời được vài chục hộ. Đây là những hộ buộc phải di dời vì nhà cửa đã bị sụp do sạt lở vùi lấp hoặc bị cuốn trôi xuống sông, còn hàng ngàn hộ khác đang sống trong vùng nguy hiểm vẫn chưa di dời được. Khả năng tài chính của tỉnh cũng chỉ thực hiện được chừng ấy. Còn nếu muốn thực hiện đồng loạt phải có sự hỗ trợ từ Trung ương”. Ông Tý cũng cho biết thêm, giải pháp tạm thời hiện nay là giao cho các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp nào đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm thì di dời tạm thời bằng cách xen cư. Giải pháp sắp tới là giao cho dân tự tìm vị trí làm nhà mới, sau đó sẽ có cơ chế hỗ trợ lại. Giải pháp này nhằm đáp ứng mong muốn tìm chỗ ở phù hợp của người dân gần nơi sản xuất, thuận tiện trong việc di lại nhằm tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nguyễn Đắc Thành - Nguyễn Trang