Sông Hương từ lâu được chọn làm trục chính trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế. Đồng thời, giữ vai trò “mẹ đỡ” cho các chương trình nghệ thuật tuyển chọn từ tinh hoa văn hóa 5 châu lục hội tụ và tỏa sáng tại các kỳ Festival Huế.
Vùng biên viễn và kinh đô
Chở bao ân tình người dân miền thượng về đến trung tâm TP Huế, sông Hương lững lờ chảy như muốn sóng đôi cùng núi Ngự Bình là bức bình phong thiên nhiên cho kinh thành Huế xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây kết hợp tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông. Bức tranh sơn thủy hữu tình “miền Hương - Ngự” còn gợi vẻ quyến rũ trầm lắng như chính người dân xứ Huế. Mộc mạc mà tinh tế. Hiếu khách, chân tình nhưng không kém phần cao sang quyền quý “kiểu” vùng đất kinh kỳ Phú Xuân xưa được truyền qua nhiều thế hệ. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan chia sẻ, bắt đầu từ thế kỷ 17, sông Hương có một vị trí đặc biệt trong việc tổ chức không gian đô thị Huế. Từ phủ Kim Long đến các đô thị tiền thân Huế như thủ phủ Phú Xuân, đô thành Phú Xuân, kinh đô thời Tây Sơn đều lấy sông Hương làm trục chính trong việc quy hoạch và xây dựng đô thị. Đến kinh đô triều đại các vua Nguyễn, sông Hương là tuyến giao thông trọng yếu để từ Huế lên Tây xuống Đông và đi mọi miền đất nước. Trong khi, trầm tích văn hóa giải mã từ các cổ vật thì sông Hương là vùng biên viễn của nhiều nền văn minh trước khi nó trở thành kinh đô nước Việt Nam thống nhất vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Ông Phan dẫn giải, ngoài đồ gốm và kim loại, sông Hương còn có nhiều cổ vật đồ đá tuổi đời từ hàng trăm năm đến hàng vạn năm về trước như bôn, rìu đá có thể thuộc thời kỳ đồ đá hay đá mài, bàn nghiền, chày nghiền… thuộc văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sơ sử. Riêng bàn nghiền bằng đá nhiều kích cỡ, chế tác rất tinh xảo, có chân, mặt hình chữ nhật hoặc một đầu hình mũi hài mà người hiếu kỳ đặt tên “chiếc gối đá”. Dù đẹp hay xấu, vỡ hay lành thì mỗi hiện vật xưa vớt từ lòng sông Hương đều mang hơi thở cuộc sống con người và sự thiêng liêng của dòng sông làm cho nó có linh hồn. Cách khác, qua các hiện vật cho thấy, dòng chảy văn hóa sông Hương phát triển một cách tuần tự, kéo dài hàng ngàn năm không bị đứt đoạn. Dù rằng có thời điểm bị “khủng hoảng” nhưng để lớn mạnh. Nổi bật nhất là khủng hoảng để thống nhất đất nước thời Tây Sơn và các vua Nguyễn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Miền sông Hương, núi Ngự là lợi địa của một thế kỷ rưỡi vương triều Nguyễn đã xây đắp những giá trị tập truyền, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ, đời sống, phong cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử... Ở đó, sông Hương là một trung tâm văn hóa sôi động khi đạo Phật và đạo Khổng thấm sâu, hòa quyện vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo. Mùa Phật đản, sông Hương như được tô điểm những sắc màu vui nhộn khi hai bên bờ phất phới cờ ngũ sắc, lồng đèn, hoa đăng tạo thành một khung cảnh an vui thân thiện. Trong không gian tĩnh mịch, bảy đóa sen khổng lồ do tăng ni, phật tử Huế hạ thủy và lung linh tỏa sáng giữa muôn vàn hoa đăng về đêm tạo cho Huế, cho dòng Hương Giang một chiều sâu không gian tâm linh thiêng liêng, mầu nhiệm, đem lại cho lòng người cảm giác bình an, sâu lắng, làm vơi đi bao nỗi muộn phiền giữa cuộc sống mưu sinh… Đây không phải là việc “đến hẹn lại về” mà là một truyền thống văn hóa xuyên suốt thời gian và không gian, nối trần gian với cõi thiêng, nối văn hóa tâm linh hiện tại với quá khứ huy hoàng của dân tộc. Mỗi lời cầu nguyện và ngọn đèn hoa đăng thả xuống dòng sông Hương là một sự tỏa sáng trong tâm hồn người Huế hướng về điều thiện, hướng về dòng chảy tâm linh cao quý mong cho nhân loại hòa bình, trước sự che chở của dòng “sông mẹ” tâm linh.
“Mẹ đỡ” tinh hoa văn hóa nhân loại
Dòng chảy sông Hương ngàn năm vẫn miệt mài bồi đắp nguồn sức sống cho đôi bờ. Để từ đó, Huế thực sự là một mảnh đất đầy ắp lịch sử, chứng kiến và dung nạp rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh Đông - Tây trên thế giới của hàng ngàn năm trước và mãi mãi về sau. Từ một địa chỉ văn hóa Sa Huỳnh đến dấu ấn văn hóa Chăm rồi đến quan hệ giao lưu văn hóa Trung Hoa vẫn còn in đậm dấu vết ở phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh… Đến thời kỳ hiện đại, Huế trở thành nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đó, ấn tượng nhất là Huế đang sở hữu hai loại hình di sản vật thể và phi vật thể gồm Quần thể di tích Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Đây là nền tảng làm nên thành công cho Festival, ngược lại Festival làm cho di sản Huế thăng hoa và trường tồn với thời gian.
Trong các Festival Huế, sông Hương giữ vai trò “mẹ đỡ” cho các chương trình nghệ thuật. Ở những sân khấu nổi trên mặt nước hay bãi bồi giữa sông Hương, các đoàn nghệ thuật tuyển chọn từ tinh hoa văn hóa 5 châu lục thỏa sức biểu diễn phục vụ công chúng và khách du lịch. Ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế nói rằng, bên cạnh chương trình khai mạc, bế mạc, các lễ hội áo dài, tại các kỳ festival vừa qua, việc tổ chức các lễ hội cộng đồng như lễ hội Thao diễn thủy binh dưới thời các chúa Nguyễn (2010), Thiên hạ thái bình (2012), coi như là một lần nữa thừa nhận những giá trị và vai trò xuyên suốt của sông Hương đối với Huế. Đây là một bước đệm để lập hồ sơ trình công nhận sông Hương là di sản văn hóa thế giới trong tương lai... Festival Huế kết nối lịch sử và hiện tại để khẳng định một Huế tương lai gắn kết với Việt Nam và thế giới. Trong đó, sông Hương vẫn mãi là “sân khấu mẹ” và là không gian văn hóa để tổ chức các lễ hội khi Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Huế xây dựng trở thành thành phố festival đầu tiên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số công trình cao chót vót nằm cách bờ sông Hương mấy trăm mét đã làm mất dần sự hiền hòa, thơ mộng của dòng sông; tình trạng khai thác cát sạn trái phép tràn lan ở thượng nguồn kéo dài từ nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng xói lở cục bộ nghiêm trọng ở hai bên bờ sông; khối mâu thuẫn lớn giữa sông Hương - di sản và sông Hương - “mỏ vàng” nếu đưa vào khai thác du lịch, hay “phát triển tự nhiên”... Sông Hương sẽ mãi là di sản khi những “căn bệnh” trên được giải quyết trọn vẹn.
VĂN THẮNG
- Bài 1: Kiệt tác của tự nhiên