Sống kham khổ với lương tối thiểu

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng thêm 5,5% so với hiện tại, tức tăng từ 150.000 - 240.000 đồng (tùy từng vùng) vào năm 2020. 3 năm liên tiếp, lương tối thiểu được điều chỉnh lên nhưng đời sống công nhân ở các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khốn khó.
Công nhân ngành may sống chật vật với mức lương tối thiểu
Công nhân ngành may sống chật vật với mức lương tối thiểu

Chưa hết tháng đã hết tiền

Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam vào năm 2018, có 69% công nhân làm việc trong ngành dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng, 53% không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh. Nhất là có 23% công nhân đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ.

Còn theo Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam), lương tối thiểu liên tiếp tăng nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; nhưng thực tế, nhiều lao động vẫn không thể chi trả các nhu cầu sinh hoạt cơ bản bằng tiền lương thực nhận. Công nhân không có khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân, không đủ điều kiện chăm lo cho con cái hay hỗ trợ gia đình, tiết kiệm đề phòng rủi ro. Hầu hết công nhân rơi vào vòng xoáy nợ nần và phải tăng ca thường xuyên mới có thể đủ sống. 

Trong khi đó, kết quả khảo sát của CDI trong năm 2018 tại các tỉnh, thành lớn (TPHCM, Đồng Nai, Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội) cũng cho thấy, công nhân ngành dệt may thường sống trong tình trạng chật vật, chưa hết tháng đã hết tiền. Các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm đến 36% tổng thu nhập của công nhân ngành này. Vì đây là khoản tiền có được khi công nhân làm thêm giờ nên có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những thời điểm ít việc. Do vậy, cuộc sống của công nhân dệt may luôn rất bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Mận (27 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân một công ty may tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TPHCM), cho biết vì phải thường xuyên làm việc tăng ca 10 tiếng/ngày, chị không có thời gian để chăm sóc con cái. Ngoài ra, do học phí khi gửi con đi nhà trẻ cũng khá cao trong khi lương công nhân ít ỏi, chị buộc lòng phải gửi con về quê nhờ ông bà ngoại nuôi giúp. “Nếu không làm tăng ca, lương của tôi chỉ hơn 4 triệu đồng trên tháng. Xoay qua một cái là đã hết. Chi xài tiết kiệm lắm mới dư được 1 triệu đồng trên tháng để gửi về quê nuôi con. Tháng nào đau ốm thì xem như không dư được đồng nào”, chị Mận tâm sự. 

Tiến tới “lương đủ sống” 

Trước thực trạng này, các chuyên gia nghiên cứu về lao động cho rằng cần phải có cách tính khác về lương thì người lao động và gia đình họ mới đảm bảo được mức sống tối thiểu bằng đồng lương của mình. Thay vì hoạch định chính sách tiền lương bằng chế độ lương tối thiểu như thời gian qua, Việt Nam cần tiếp cận bằng một khái niệm khác là “lương đủ sống”. Từ nhiều năm nay, Tổ chức Lao động quốc tế đã khuyến nghị các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) trả lương theo cách tính lương đủ sống để người lao động thoát khỏi vòng đói nghèo. 

Bà Đinh Hà An, quản lý Chương trình Quyền lao động của CDI, cho rằng hiện lương tối thiểu gần như là căn cứ duy nhất để doanh nghiệp (DN) trả lương cho người lao động. Để tồn tại được bằng đồng lương, công nhân phải chi tiêu dè sẻn, thường xuyên làm thêm giờ. Như vậy về lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ cho bản thân công nhân, gia đình của họ mà cho cả DN và xã hội. Theo bà An, DN trả mức lương đủ sống để đảm bảo cho người lao động và gia đình có cuộc sống tử tế hơn cũng là cách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc cho người lao động. 

Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng hiện lương đang tăng nhanh hơn năng suất lao động, việc trả lương cho công nhân dựa trên tiêu chí lương đủ sống là khó khả thi cho phía chủ sử dụng lao động. Các nhà máy gia công vốn đã không còn nhiều lợi nhuận sau khi trả mức lương hiện tại cho người lao động. Vì vậy, nếu tiếp tục tăng lương, DN sẽ càng gặp khó khăn.

Ở góc nhìn khác, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, nhận định năng suất lao động phải được tính trên hệ thống máy móc, công nghệ, chứ không đơn thuần chỉ đòi hỏi công nhân phải nhanh tay. Bà Chi cũng cho rằng, nhiều nhãn hàng quốc tế đã cam kết có thể trả lương đủ sống cho người lao động. Vì vậy, đã đến lúc các DN trong nước cần làm việc với nhãn hàng (tức các khách hàng của mình) về cam kết này. Riêng nếu các nhà máy gia công của Việt Nam đến nay vẫn chỉ thực hiện được các đơn hàng đơn giản, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp, thì không chỉ khó ở việc trả được mức lương đủ sống cho công nhân mà bản thân DN cũng khó phát triển bền vững.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, lương đủ sống là khoản lương người lao động nhận được trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (với Việt Nam tối đa không quá 48 giờ) và đủ để trang trải các mức sống cơ bản cho họ và gia đình. Lương đủ sống không chỉ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về ăn ở mà còn cả các nhu cầu về y tế, giáo dục, tích lũy, đi lại, quan hệ gia đình, xã hội...

Tin cùng chuyên mục