“Rừng Trường Sơn ngút ngàn, núi Trường Sơn trùng điệp, linh khí Trường Sơn hội tụ…” - giọng đọc điếu văn giữa buổi trưa nắng gắt cùng 9 hồi chuông ngân vang giữa Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn khiến những người có mặt cảm thấy se lòng. Người trông coi nghĩa trang cứ nhắc đi nhắc lại: “Các chú, các bác nhớ ghi thật rõ, thật đủ tên, đơn vị của những người đến viếng để lát nữa làm lễ còn đọc lên. Các anh nằm đây mong đồng đội đến thăm lắm. Nhỡ thiếu tên người nào, các anh tìm không được, lại buồn”. Đó là những kỷ niệm mà chúng tôi đã ghi nhận được qua hành trình Trở lại chiến trường xưa do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tổ chức.
- Trở lại đất lửa
Đứng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), Đại tá Nguyễn Viết Sinh, Anh hùng LLVT, chiến sĩ gùi thồ trên đường Trường Sơn đã đi bộ quãng đường bằng một vòng trái đất xúc động, nói: “Bản thân tôi may mắn được trở lại chiến trường xưa nhiều lần, nhiều lần được đến thăm nghĩa trang Trường Sơn nhưng lần nào cũng xúc động vô cùng, bởi vì đồng đội mình hy sinh nhiều quá. Giá như chiến sĩ Trường Sơn nào may mắn còn sống cũng được một lần về đây thăm đồng đội thì hạnh phúc cho người còn sống và ấm lòng những người đã khuất biết chừng nào.
Năm rồi, chúng tôi đi vận động tài trợ suốt 2 tháng, tổ chức được cho 22 người về thăm lại chiến trường xưa. Trong vòng 4 ngày, chúng tôi trở về ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, thành cổ Quảng Trị… Tiền ít, anh em bảo nhau chi tiêu thật tiết kiệm, ăn ở đạm bạc để đi được nhiều chừng nào hay chừng ấy. Cùng vào Trường Sơn với tôi ngày nào, ở huyện Nam Đàn, Nghệ An hiện vẫn còn 80 người vẫn còn đủ sức khỏe để đi nhưng 50 năm rồi vẫn chưa một lần trở lại chiến trường vì hoàn cảnh sống quá khó khăn. Tôi chỉ có một nguyện vọng là tổ chức được cho tất cả mọi người được đi một lần, dẫu có chết cũng mãn nguyện”.
Cái nắng như thiêu đốt của ngày hè Quảng Bình không ngăn nổi bàn chân của vị tướng già 86 tuổi - Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Ông kiên nhẫn đi bộ lên con dốc thật cao, nơi chân cầu Long Đại, vị trí đang xây dựng công trình đền tưởng niệm trị giá 10 tỷ đồng thuộc Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP. Ông nói không cần làm phiền lái xe nhưng có lẽ thật tâm ông muốn thêm một lần được đặt bàn chân mình lên mảnh đất thiêng mà đồng đội, chiến sĩ của mình đã vĩnh viễn nằm lại.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy xúc động: “Những gì cảm nhận được từ chuyến đi này, tôi và các anh em trong đoàn chắc sẽ còn nhớ mãi. Tôi năm nay đã 86 tuổi rồi nhưng vẫn mong sẽ còn được trở lại những cung đường này thêm nhiều lần nữa, để được sống lại với đồng đội những giây phút hào hùng năm xưa”.
- Hành trình trái tim
Sau buổi lễ cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên đất bạn Lào được tổ chức ở huyện Lằng Khằng tỉnh Khăm Muộn, khóe mắt TS Lê Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, vẫn còn rưng rưng với nỗi xót xa, đau đớn khi nghĩ về đồng đội.
Cô nói: “Tôi cảm ơn Báo SGGP đã tạo điều kiện cho tôi và đoàn cựu chiến binh tham gia hành trình Trở lại chiến trường xưa, dâng hương tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, trong đó đặc biệt là những đồng đội đã hy sinh trên Đường 20 Quyết thắng, hang Tám Cô. Nguyện vọng của chúng tôi là ở trọng điểm cua chữ A - ngầm Ta Lê, nằm trong khu vực trọng điểm A-T-P, được xem là ác liệt nhất trên các tuyến đường Trường Sơn, trong đó chỉ riêng đơn vị của tôi – Đại đội 5 Thanh niên xung phong đã có 78 người hy sinh, cũng sớm có nơi thờ cúng các anh hùng liệt sĩ giống như ở hang Tám Cô. Tôi mong muốn giai đoạn 2 của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn tiếp tục kêu gọi được sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm để xây dựng thêm nơi tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại những địa danh ác liệt, có nhiều chiến sĩ hy sinh; đồng thời giúp những người lính Trường Sơn năm xưa có hoàn cảnh gia đình khó khăn để các anh chị có cuộc sống tốt hơn ở tuổi xế chiều”.
Về phần mình, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam chia sẻ cảm xúc về cuộc hành trình: “Chúng tôi là những chiến sĩ Trường Sơn, cách đây 50 năm đã đi qua mảnh đất Quảng Bình, Quảng Trị này. Đây là hậu phương, là nơi đã trực tiếp bảo vệ, đùm bọc và sát cánh với bộ đội Trường Sơn. Hơn 2 vạn đồng đội đã nằm lại Trường Sơn, hơn 3 vạn người bị thương và rất nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi hạnh phúc vì vẫn còn sống đây để trở lại chiến trường xưa, đem tình cảm của gần 1 triệu cựu chiến sĩ, cựu TNXP Trường Sơn, dân công hỏa tuyến đến dâng hương cho liệt sĩ. Rất mong có thêm nhiều hành trình như Trở lại chiến trường xưa để chúng tôi thêm một lần được sống lại với ký ức, với đồng đội; thêm một lần được đặt chân lên dải Trường Sơn đã đi vào huyền thoại”.
MAI HƯƠNG - ÁI CHÂN
Để tổ chức hành trình Trở lại chiến trường xưa thành công, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xin cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ hết sức quý báu của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, Tỉnh đoàn Quảng Bình, Vietcombank Quảng Bình, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Truyền thông và dịch vụ viễn thông HADNY, Công ty cổ phần Cơ khí Đại Dũng, Thượng tọa Thích Thanh Phong và phật tử chùa Vĩnh Nghiêm TPHCM…
Thông tin liên quan:
>> Chùm ảnh: Đường Trường Sơn trên đất bạn Lào
>> Chùm ảnh: Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ
>> Bắt đầu hành trình “Trở lại chiến trường xưa”