Sóng sạch, sạch sóng

Một lần nữa, câu chuyện làm thế nào để mỗi chương trình lên sóng truyền hình, nhất là các chương trình giải trí, đảm bảo được độ “sạch” tiếp tục được đặt ra liên quan màn cởi đồ trong một chương trình phát trên truyền hình mới đây.

Thực tế cho thấy, ngay cả với các gameshow, chương trình truyền hình thực tế đang được yêu thích, đôi khi chỉ vì chủ quan và cả sự tham lam, cái giá phải trả đắt không kém.

Hiển nhiên, nhà sản xuất có lý do để dàn dựng và cho lên sóng những cảnh mang tính câu view như cảnh cởi đồ trong chương trình nói trên. Nhìn ở góc độ bề nổi, sự việc trên khiến chương trình tăng sự thu hút, kéo theo tương tác cũng như bàn luận sôi nổi trên các mạng xã hội. Nhưng, cái được ấy liệu có trọn vẹn? Với một chương trình truyền hình thực tế thành công, nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả, “chiêu trò” này không thực sự cần thiết. Dù chưa đến mức tẩy chay nhưng sau một hành trình dài khá “sạch sẽ”, đoạn kết cho chương trình trên đã kém phần trọn vẹn, thậm chí gây nhiều tiếc nuối.

Từ khi gameshow, truyền hình thực tế đổ bộ vào Việt Nam, khán giả vốn đã quá quen thuộc với các chiêu trò, scandal nhằm thu hút sự chú ý. Không ít đơn vị sản xuất có hẳn “công thức ngầm” để gây chú ý bằng mọi cách, thay vì tập trung hướng đến chất lượng nội dung. Ai cũng hiểu bài toán đầu tư, cân đối thu chi, lợi nhuận, duy trì chương trình gặp vô vàn áp lực. Nhưng đích đến cuối cùng của bất cứ chương trình nào đều là khán giả, họ cần được đặt ở vị trí trung tâm, được tôn trọng thông qua cách ứng xử văn minh, vì vậy không gì hơn là xây dựng và nâng chất chương trình.

Trong câu chuyện làm thế nào để làm “sạch” sóng truyền hình cũng cần xét lại vai trò và mối quan hệ của 3 chủ thể liên quan: đơn vị sản xuất, đơn vị phát sóng và khán giả, trong đó khán giả có quyền tẩy chay. Liên quan đến các đơn vị sản xuất, lại có một thách thức khác. Hiện nay, các đơn vị có nhiều hơn một lựa chọn đưa chương trình đến với khán giả thay vì theo cách truyền thống là chỉ phát sóng trên truyền hình. Nhiều gameshow hay chương trình truyền hình thực tế thời gian qua được đưa lên các nền tảng trực tuyến, phổ biến là YouTube. Lúc này, khi không còn cánh cửa kiểm duyệt của nhà đài, mọi thứ đã rất thông thoáng. Trước đây, nhiều đơn vị cũng từng lách luật bằng cách đăng tải bản đưa lên YouTube là một bản khác so với trên truyền hình. Chưa kể, ngoài nội dung chính, các clip hậu trường cũng được khai thác tối đa nhằm thu hút người xem. Nhiều khi, chuyện bếp núc làm show còn hot hơn cả nội dung chính được phát sóng.

Về phía đơn vị phát sóng - vai trò của người gác cổng trong mọi trường hợp luôn rất quan trọng. Một thời gian dài, khi gameshow và truyền hình thực tế bùng nổ, hệ lụy là rất nhiều nội dung có phần dung tục, phản cảm lọt sóng, nhiều đài truyền hình đã phải hạn chế tối đa các gameshow, chương trình lên sóng trực tiếp để kiểm duyệt kỹ hơn - tức giữ thế chủ động. Giải pháp đó phần nào hạn chế lỗi không đáng có nhưng chưa triệt để.

Rất nhiều sự việc bị khán giả phản ứng, tẩy chay vẫn thuộc về các chương trình được ghi hình, phát lại - tức đã trải qua cả quá trình biên tập của đơn vị sản xuất và kiểm duyệt của nhà đài. Việc lọt lưới này, quả bóng trách nhiệm không ít lần cứ được đá qua, đá lại hoặc im lặng để sự việc chìm xuồng.

Rõ ràng, để đảm bảo nội dung “sạch” đến với khán giả phụ thuộc rất lớn vào ý thức và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất. Đặc biệt, với nhiều chương trình, nội dung không hẳn lúc nào cũng phù hợp cho mọi đối tượng khán giả, nhất là trẻ em. Ở phương diện các nhà sản xuất, bớt một chút không hẳn thua thiệt, nhưng thêm một chút có khi mất nhiều hơn được.

Tin cùng chuyên mục