Sông Tô Lịch sẽ trở thành cảnh quan du lịch hấp dẫn?

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát”
Sông Tô Lịch sẽ trở thành cảnh quan du lịch hấp dẫn?

Trong một tương lai không xa, sông Tô Lịch, một điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường của thành phố Hà Nội, sẽ trở thành một cảnh quan du lịch hấp dẫn du khách. Ước mơ về một dòng sông đẹp trong lòng thành phố có thể thành sự thật mà không cần một phép màu như trong truyện cổ?

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát”

Sông Tô Lịch sẽ trở thành cảnh quan du lịch hấp dẫn? ảnh 1

Sông Tô Lịch đoạn Cống Mọc- Ngã Tư Sở

Đó là câu ca dao nói về con sông Tô Lịch  cách đây vài thế kỷ. Khi đó, con sông Tô Lịch  thanh bình vẫn còn là một cảnh quan đẹp của đất đế đô. Theo sử sách còn ghi lại, từ thế kỷ thứ 10, từ ngày Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, trải qua các triều Lý – Trần-  Lê, sông Tô Lịch có một sức sống mạnh mẽ, phong phú.

Hai bên bờ sông xuất hiện nhiều làng mạc, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển. Cách đây chỉ vài chục năm, tuy không còn vẻ thơ mộng thuở xưa nhưng con sông vẫn còn giữ được làn nước xanh mát. Bà Nguyễn Thị Cúc - 68 tuổi, làng Kim Lũ - kể lại: Những năm 50- 60, con sông này vẫn còn có nhiều gia đình sống bằng nghề chài lưới. Gia đình tôi vẫn thường thả bè rau muống, rau cần. Chiều đến, bọn trẻ vẫn nhảy tắm sông ầm ĩ cả một khúc sông dài”.

Trái ngược với ký ức xưa về sông Tô Lịch, hiện tại con sông này đang được coi là điểm ô nhiễm nặng nề nhất của thủ đô Hà Nội. Nước thải của các khu công nghiệp (KCN) Thượng Đình, KCN quận Hai Bà Trưng, KCN Cầu Bươu – Văn Điển, KCN Pháp Vân – Văn Điển, có nồng độ các chất độc hại cao, xả trực tiếp vào sông Tô Lịch. Ngoài ra, một hệ thống trên 30 bệnh viện của Hà Nội với lượng nước thải hàm lượng chất bẩn hữu cơ cao, chứa nhiều vi trùng gây bệnh sau khi được thu gom, vận chuyển trong các tuyến cống, mương, sông cũng tập trung vào hạ lưu sông Tô Lịch để xả qua cửa Thanh Liệt vào sông Nhuệ.

Mặc dù thành phố đã bỏ nhiều tỷ đồng kè hai bên bờ sông và ngăn chặn rác thải nhưng chất lượng nước sông Tô Lịch vẫn là nỗi kinh hoàng của cư dân hai bên bờ sông.

Khoảng cách từ ý tưởng đến hiện thực có quá xa?

Ý tưởng đề án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng - du lịch trên sông Tô Lịch” của Công ty cổ phần Nước & Môi trường Việt Nam, vừa được trình lên thành phố Hà Nội.  Theo đề án này, hai bên bờ sông, đoạn Cầu Giấy - Cầu Mới được quy hoạch thành hệ thống công viên, vườn hoa; một phần nhỏ mặt sông được quy hoạch thành khu dịch vụ văn hóa - du lịch, khu ẩm thực, bãi đỗ xe trên mặt sông. Hành lang bờ sông sẽ được thiết lập hệ thống cây xanh, chiếu sáng-nhằm chống việc đổ rác thải, tái lấn chiếm như hiện nay.

Bên cạnh các hạng mục chủ yếu, hệ thống thu gom, xử lý nước thải chống ô nhiễm cho dòng sông sẽ được xây dựng mới. Dự án được thực hiện trong 3 năm – hoàn thành giai đoạn 1 vào 2010, với tổng chi phí đầu tư giai đoạn này khoảng 255 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp đó, đề án tính đến việc nối thông sông Hồng với sông Tô Lịch bằng việc khai thông dòng chảy cũ hoặc đấu nối thông qua sông Nhuệ nhằm cung cấp đủ nước cho Tô Lịch vào mùa khô, tạo thành dòng chảy như hơn 100 năm trước. Nhà đầu tư hy vọng, với việc cung cấp thêm nước cho sông Tô, có thể thiết lập các du thuyền, phục vụ du khách trên sông.

Nhiều người dân Hà Nội tỏ ý vui mừng và kỳ vọng nhiều vào đề án này. Tuy nhiên có không ít những ý kiến băn khoăn cho rằng từ ý tưởng đến thực tế là một khoảng cách quá xa. Theo anh Văn Đức- khu tập thể Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, để hoàn thành khối lượng các hạng mục công trình như vậy trong khoảng thời gian 3 năm như đề án đặt ra là khó đạt được. Hơn nữa, dự án  liên quan đến sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc, Sở Văn hóa, Sở Giao thông Công chính, Sở Tài Nguyên-Môi trường… nên việc đi đến thống nhất các ý kiến không phải dễ dàng.

Chị Đỗ Thanh Bình, 142/23 Quan Nhân, cho rằng: “Phải coi việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải chống ô nhiễm là hạng mục quan trọng hàng đầu. Sông Tô Lịch phải sạch, đây là điểm mấu chốt quyết định thành công của dự án. Việc này không dễ  vì hiện nay sông Tô Lịch đang là một trong những con sông thoát nước chính của Hà Nội”.

Bác Xuân Hòa, phường Quan Hoa quận Cầu Giấy, lại băn khoăn: “Xây dựng khu dịch vụ trên một phần mặt sông bằng cách bê tông hóa rất dễ làm mất đi nét duyên dáng vốn có dòng sông này. Dù cải tạo, quy hoạch thế nào, con sông Tô Lịch cũng phải giữ được những nét văn hóa - lịch sử của nó. Có như vậy, ý tưởng biến sông Tô Lịch thành cảnh quan du lịch mới trở thành hiện thực”.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục