Sống xanh thời hiện đại - Bài 3: Bớt nói, hãy hành động!

Bạn nghĩ sao khi tại các lễ phát động bảo vệ môi trường nhưng trên bàn đại biểu toàn là chai nhựa đựng nước và sau khi kết thúc là vô vàn đống rác dưới chân? Sống xanh sẽ mãi chỉ là một xu hướng khi không trở thành một thói quen tồn tại trong suy nghĩ của từng người. Thách thức với sống xanh thực sự không nhỏ!

Thứ cần dọn dẹp là… ý thức

“Càng đi càng thấy dọn dẹp rác là điều không khó, dọn dẹp ý thức khó hơn nhiều”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Hà Nội) khẳng định về ý thức sống xanh qua dự án “Save our Seas”, nơi cập nhật các hình ảnh, video, những câu chuyện chân thực nhất về những vùng biển đang chết dần chết mòn với rác thải tại Việt Nam.

Hành trình hàng ngàn km theo chân rác thải nhựa của anh Nguyễn Việt Hùng với những câu chuyện đầy ám ảnh phía sau mỗi tấm hình qua lăng kính của một nhiếp ảnh gia đã có tác động lớn tới ý thức sống xanh của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

“Trên đường đi, lần đầu tiên trong hành trình, tôi ngỡ mình lạc vào bãi rác nào đó, khi bắt gặp rác trên bờ biển ở khu chợ tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Khánh Hòa. Tôi đi bộ mà chân lún sâu trong rác thải là ny lon. Rồi bạn có thể tin được không khi đến biển, lẽ ra âm thanh tôi được nghe thấy phải là tiếng sóng biển thì thay vào đó lại là tiếng vo ve của ruồi nhặng, nhất là khi đốt rác, chúng bu lại đen kịt. Tôi thực sự sốc vì rác và sốc cả vì thứ âm thanh đó”, anh Hùng tâm sự về một trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình của mình.

Sống xanh thời hiện đại - Bài 3: Bớt nói, hãy hành động! ảnh 1 Một con kênh đầy rác thải ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: HÙNG LEKIMA
Chưa khi nào trào lưu sống xanh và các phong trào bảo vệ môi trường lại “nóng” và lan tỏa như hiện nay. Nó không chỉ là những chiến dịch lớn của các thành phố, những hoạt động mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, mà bảo vệ môi trường đã phần nào chạm đến từng cá nhân, đội, nhóm.

Tuy nhiên, bảo vệ môi trường không chỉ là không xả rác, thu gom rác mà nó phải là ý thức xuất phát từ trong tâm của mỗi con người khi hành động. Trên thực tế, nhiều hoạt động tuyên truyền cho bảo vệ môi trường, ngăn chặn những hành vi xả rác, lại ngập rác.

Cách đây không lâu, tại một công viên ở quận 5, TPHCM tổ chức lễ phát động bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh niên, nhưng sau cuộc phát động ấy, khi các tình nguyện viên rút đi, ở lại là một công viên đầy rác.

Hay mới đây, trong chương trình Ngày Chủ nhật xanh do Thành Đoàn TPHCM phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại một trường học ở quận 7, cũng để lại một hình ảnh chưa đẹp trong mắt mọi người, đó là những vỏ chai nước suối sau khi các tình nguyện viên sử dụng được gá tạm ở các gốc cây, bồn hoa. “Chắc tại mấy người mải đi vớt rác trên kênh, quét đường, dọn hẻm mà quên dọn những chai nước mình vừa sử dụng”, một người dân thốt lên.

Chúng tôi cũng chứng kiến không ít cảnh như trên trong các cuộc họp, các buổi lễ hay chương trình, sự kiện lớn, nhỏ ở khắp cả nước. Ngay trong chương trình cầu truyền hình Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em được tổ chức ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, cũng có nội dung kêu gọi phụ nữ, trẻ em chung tay bảo vệ môi trường, vậy mà sau khi lực lượng rút đi để tham gia các hoạt động khác, phía dưới những hàng ghế la liệt chai nhựa, túi ni lông.

Vừa đi gom những chai nhựa, ông Phạm Văn Kiện (ngụ quận 1) vừa than thở: “Giá mà trong các cuộc họp, hội nghị hay các chương trình sử dụng bình nước và ly giấy thay cho chai nhựa, ly nhựa thì hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường sẽ thuyết phục hơn. Đằng này các vị cứ sử dụng, nghĩa là vẫn kích cầu cho việc sản xuất những sản phẩm nhựa dùng một lần mà hô hào người dân không sử dụng thì đâu có được”.

Kinh doanh sản phẩm sống xanh đang rất có lợi thế trên thị trường. Với xu thế cải thiện lối sống như hiện nay, việc tìm mua những sản phẩm này cũng dễ dàng hơn. Và từ đó đã có nhiều người lợi dụng xu thế này để trục lợi, gây cái nhìn tiêu cực cho sản phẩm sống xanh.

Anh Huy Hoàng, tình nguyện UNICEF Việt Nam, chia sẻ: “Không ít lần tôi đã có cảm giác như mình đã bị lừa khi mua những sản phẩm được quảng cáo là thân thiện với môi trường. Một lần khi tham gia hội chợ khởi nghiệp tại TPHCM, tôi đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp một cậu bé 13 tuổi bán nước rửa chén tự nhiên, tôi liền mua 2 chai về dùng thử. Về nhà dùng thử thì thất vọng lắm, vì nó còn thua cả nước bồ hòn tôi hay dùng, đã thế còn đắt, 80.000 đồng cho 200ml. Còn cả những quán nước sống xanh nửa mùa nữa chứ, phương châm là nên dùng ống hút tre để bảo vệ môi trường nhưng bán cho khách uống tại chỗ thì dùng ly nhựa một lần và bán ống hút với giá cao gấp đôi giá thị trường. Tại một số cửa hàng sống xanh, khi tôi thắc mắc rằng tại sao món này lại đắt so với những cửa hàng khác, nhân viên hồn nhiên giải thích là do những sản phẩm này đều thân thiện với môi trường”.

Tạo nên sự thay đổi

Thanh Thúy, nhân viên chăm sóc khách hàng của một tiệm áo cưới tại quận 5, tự nhận mình là một người “sống xanh theo phong trào” tâm sự: “Trước đây tôi không hề có khái niệm bảo vệ môi trường hay sống xanh gì hết, tôi còn nghĩ sống xanh chỉ dành cho những người rảnh rỗi và khá giả thôi. Khoảng cuối năm 2018, thấy hình ảnh động vật chết vì rác thải, túi nhựa, tôi mới hiểu được những thứ tiện lợi tôi thường dùng đang giết chết môi trường và tôi thay đổi thói quen. Nhiều bạn bè nói tôi sống xanh theo phong trào để câu like nhưng tôi nghĩ, thà “hùa” theo việc tốt còn hơn không làm gì".

"Tôi bắt đầu uống nước ở quán mà không dùng ống hút, đi chợ bằng giỏ đan, dùng hộp của mình mua đồ ăn đem đi, đem tặng và tái chế những đồ mình ít dùng. Nhất là khi dùng giỏ đan đi chợ, tôi đã nhớ lại những ngày ở nhà chờ mẹ đi chợ về cầm theo chiếc giỏ đan đựng cả thế giới. Tuy sống xanh có hơi bất tiện nhưng tôi tự nhủ, trước đây dù còn nhiều khó khăn, ông bà ta vẫn đã sống được như thế, tại sao bây giờ chúng ta lại không thể”, chị Thúy cho biết thêm.

Cùng hưởng ứng xu hướng sống xanh, anh Nguyễn Văn Thơ - chủ quán Hidden Gem Coffee, quán cà phê làm từ đồ tái chế nổi tiếng tại Hà Nội, chia sẻ: “Khi còn làm hướng dẫn viên du lịch, đa phần đoàn khách nước ngoài tới Việt Nam đều nói với tôi rằng, đất nước Việt Nam rất đẹp, nhưng sao đất nước của bạn nhiều rác thải thế, tại sao người dân có thể sống chung với rác thải nhựa như vậy. Cũng từ đó mà tôi trăn trở về rác thải nhựa, muốn làm điều gì đó có ích hơn cho xã hội”.

Thay vì đi kêu gọi hay tuyên truyền theo phong trào, anh Thơ nghĩ ngay tới việc mở một quán cà phê tái chế, tận dụng mọi vật dụng bỏ đi. Để thực hiện ý tưởng bị rất nhiều người cho rằng “điên rồ” này, anh Thơ đã phải rong ruổi khắp nơi lượm nhặt từ những tiệm đồng nát cho tới những bãi rác để mua, xin về những thứ bỏ đi.

Anh Thơ tâm sự: “Có thể những thông điệp bảo vệ môi trường của tôi chỉ là một điều nhỏ bé trong xã hội, nhưng tôi tin những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa này sẽ lan tỏa rộng rãi hơn nữa. Từ đó tôi sẽ có thêm nhiều hơn những người bạn đồng hành, cùng có hành động đem về sự thay đổi tích cực cho môi trường hôm nay”.
Một chiếc xe máy với khung sắt chở hàng phía sau, mấy sợi dây thun buộc hàng, cứ thế anh Thơ chở hết đống phế liệu này tới đống phế liệu khác về. Những chiếc bàn từ lốp xe, ghế ngồi là ghế ngồi của máy cày cũ, những chiếc cốc được chế tác từ vỏ chai rượu bỏ đi, những chiếc đèn chùm hình chuồn chuồn được làm từ vỏ chai nhựa sơn nhiều màu sắc, tất cả tạo nên một không gian đẹp mắt, độc đáo và vô cùng thú vị...

Ở góc độ doanh nghiệp làm ra các “sản phẩm xanh”, ông Lê Minh Tài, Phó Giám đốc Phù Đổng Eco (công ty chuyên sản xuất ống hút bằng cỏ bàng), tâm sự về chiếc ống hút bằng cỏ: “Chúng tôi bắt đầu từ những chiếc ống hút vì đây là một vật dụng xa xỉ và dễ dàng thay thế nhất. Xa xỉ vì sẽ có rất nhiều loại nước uống không cần dùng đến ống hút và dù làm bằng nhựa hay bằng cỏ thì ống hút vẫn sẽ có cùng công dụng mà vẫn tiện lợi. Từ vật dụng nhỏ này, chúng tôi muốn cùng người Việt Nam truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. Nếu mọi người cùng dùng ống hút thân thiện, tất nhiên các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi theo nhu cầu của khách hàng. Nhiều người sử dùng ống hút cỏ chỉ tạo nên một phong trào nhưng khi tất cả đều dùng thì sẽ tạo nên sự thay đổi”.

Sống xanh, có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện tại của xã hội mà không phải hy sinh, làm ảnh hưởng đến môi trường sống hay tài nguyên của các thế hệ tương lai. Xu hướng sống xanh không thể có trong một sớm một chiều mà cần “mưa dầm thấm lâu”.

Việc trang bị ý thức sống xanh ngay từ nhỏ cho học sinh là điều cần thiết và nên được ưu tiên; tiếp đó là cần biến những khẩu hiệu thành hành động cụ thể, thiết thực cho môi trường. Thay vì nói, hãy hành động!

Tại hội nghị toàn quốc bảo vệ môi trường vào cuối năm 2018, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng trầm trọng và chưa bao giờ “nóng” như hiện nay. Theo thống kê, hàng năm, cả nước phát sinh 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Trong khi đó, việc xử lý chất thải lại rất hạn chế, tình hình xả rác thải ra môi trường vẫn là vấn nạn báo động đỏ.

Từ việc nâng cao ý thức về sống xanh, mỗi người trong chúng ta cũng có thể có những hành động cụ thể như: hạn chế sử dụng túi ny lon; hạn chế sử dụng chai uống nước nhựa, dùng bình nước cá nhân; hạn chế dùng ống hút nhựa và đồ nhựa dùng 1 lần; cố gắng ăn uống tại chỗ hơn là mang đi; chia sẻ những điều trên cho nhiều người khác; hãy chụp mọi nơi ô nhiễm môi trường bạn gặp và đăng tải lên mạng xã hội cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường…

Tin cùng chuyên mục