Tận dụng tối đa cơ hội vàng
Sử dụng xe đạp đồng nghĩa với việc chọn lối sống xanh, thân thiện với môi trường khi các thành phố đã quá tải lượng xe cá nhân, giao thông công cộng lưu thông hàng ngày.
Theo Trung tâm nghiên cứu an toàn đường cao tốc của Đại học North Carolina (Mỹ), 60% các chất gây ô nhiễm tạo ra từ những phương tiện cơ giới khởi động trong những phút đầu tiên. Vì vậy, xe đạp được xem là ưu tiên khi so với lượng khí thải từ các phương tiện khác.
Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, đây là cách di chuyển tạo khoảng cách giữa những người đi đường, phù hợp với tình hình giãn cách xã hội. Xe đạp được xem là phương tiện giao thông thay thế thật sự hợp lý khi việc đảm bảo khoảng cách xã hội trên tàu điện ngầm, xe buýt hoặc tàu điện khó thực hiện.
Nắm bắt cơ hội đó, giới chức các nước đã tận dụng đưa việc sử dụng phương tiện 2 bánh trở thành thói quen thường xuyên trong đời sống. Một trong những quốc gia sớm khởi động xu hướng đi xe đạp sau khi dỡ bỏ phong tỏa là Pháp.
Bộ Môi trường Pháp yêu cầu lập một nhóm quảng bá sử dụng xe đạp nhằm giúp giới chức địa phương phối hợp tạo ra một số con đường chuyên biệt. Nhờ có hàng loạt dịch vụ chia sẻ xe đạp và nỗ lực xây dựng đường dành cho xe đạp khắp Paris cũng như các thành phố khác nhiều năm qua, người dân Pháp đã có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng phương tiện 2 bánh để di chuyển.
Chính quyền Paris cũng lên phương án trợ cấp 50 EUR (gần 55 USD) cho mỗi người sử dụng xe đạp để di chuyển sau khi nước này bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Chính quyền các thành phố Nantes, Grenoble, Lyon, Rennes, Lille, Montpellier và Montreuil cũng tuyên bố sẽ triển khai quy hoạch làn đường dành riêng cho xe đạp dọc theo các đại lộ chính.
Để giúp các thành phố, Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá về rủi ro, môi trường, vận chuyển và quy hoạch đã công bố trên mạng Internet một cẩm nang phát triển đô thị, bao gồm chuyển đổi không gian công cộng bằng vật liệu nhẹ, dễ tháo lắp. Các chuyên gia của trung tâm đề nghị giới chức địa phương giảm số làn đường xe cơ giới, mở rộng làn đường xe đạp hiện có hoặc sửa đổi kế hoạch giao thông.
Trong khi đó, tại Berlin, thay vì áp dụng các biện pháp phức tạp, hội đồng của quận Friedrichshain-Kreuzberg chỉ đơn giản vẽ những đường vạch kẻ màu vàng lấy từ làn đường ô tô để phân luồng, với mục đích giúp người sử dụng có thể giữ khoảng cách 1,5m. Đây được coi là phương pháp có chi phí thấp, đơn giản và tiện lợi, tạo ra sự khác biệt ngay lập tức.
Chương trình thử nghiệm đã chứng minh được thành công chỉ sau vài ngày khi vừa cải thiện an toàn cho người đi đạp xe mà lại không gây cản trở giao thông. Từ đó, giới chức mở rộng chương trình ra một số con đường khác ở quận Kreuzberg cũng như quận Schoneberg và Tempelhof.
Các sáng kiến tương tự đang xuất hiện ở nhiều quốc gia khác. Giới chức ở Lima (Peru), Barcelona (Tây Ban Nha) cũng đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng làn đường dành cho xe đạp, hoặc lấy không gian từ làn xe ô tô hay các địa điểm đỗ xe hiện tại.
Thành phố Milan của Italy mở thêm đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ. Milan sẽ cải tiến 35km đường để người đi xe đạp, đi bộ dễ tiếp cận hơn, từ đó người đi làm, đi học có phương tiện di chuyển an toàn, tránh giao thông công cộng và tắc đường khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Hồi sinh dịch vụ đã ngủ yên
Tại Mỹ, phong trào sử dụng xe đạp cũng đang lan rộng trong thời gian gần đây. Một số công ty bán lẻ cho biết, dịch Covid-19 khiến doanh số xe đạp tại Mỹ tăng vọt. Nhiều người mua xe đạp để rèn luyện sức khỏe ở ngoài trời trong thời gian giãn cách xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Theo Tổng cục Thống kê Mỹ, trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2017, có khoảng 870.000 người Mỹ đi làm bằng xe đạp, tương đương khoảng 0,6% người lao động. Tỷ lệ này ở các vùng đô thị cao hơn - khoảng 1,1% và khoảng 20 thành phố dân số tối thiểu 60.000 dân có tỷ lệ sở hữu xe đạp từ 5% trở lên.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ người lao động Mỹ dùng xe đạp đi làm đã tăng lên. Khảo sát năm 2019 của công ty nghiên cứu tư nhân Statista Inc. cho thấy, 5% đi xe đạp cá nhân, trong khi có 1% dùng dịch vụ thuê xe đạp, một lựa chọn ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn.
Chính phủ Mỹ đã xác định, xe đạp là một phương tiện giao thông thiết yếu, nên nhiều cửa hàng xe đạp vẫn mở cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhiều cửa hãng đã thay đổi cách thức hoạt động, không cho khách thử xe nữa và giao xe ở chỗ hẹn thay vì bên trong cửa hàng.
Hiệp hội Đại lý xe đạp quốc gia Mỹ cho biết, gần 3/4 số xe đạp tại Mỹ được giao dịch qua các cửa hàng bán lẻ lớn. Mặc dù nhiều cửa hàng lớn chuyên bán đồ thể thao phải đóng cửa do lệnh cách ly xã hội, nhưng các cửa hàng, siêu thị kinh doanh tổng hợp như Walmart, đơn vị bán xe đạp lớn nhất, vẫn hoạt động.
Tại Australia, những nhà bán lẻ xe đạp lớn còn vật lộn để bắt kịp sự bùng nổ doanh số kể từ khi lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực từ tháng 3. Xe đạp hot đến nỗi hầu như ai cũng muốn có một chiếc. Dự đoán doanh thu từ xe đạp sẽ tiếp tục tăng lên khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, mọi người sẽ trở lại làm việc.
Trong khi đó, các tay đua giàu kinh nghiệm đã mua hết sạch các thiết bị xe đạp kỹ thuật số ở Australia. Các thiết bị này cho phép người đi xe đạp gắn xe đạp vào máy tính của mình và đi qua các đường đua ảo khi ở ngay trong nhà mình.
Ngoài việc đảm bảo giãn cách xã hội, việc sử dụng xe đạp làm phương tiện khi di chuyển còn giúp đưa các thành phố trở lại trạng thái hoạt động bình thường, cũng như giúp dịch vụ chia sẻ xe đạp hồi sinh.
Tại thị trường Trung Quốc, 2 năm qua dịch vụ chia sẻ xe đạp tê liệt. Hàng triệu chiếc xe đạp bị vứt vào bãi rác. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, các công ty chia sẻ xe đạp Trung Quốc đang chứng kiến doanh số tăng trưởng ấn tượng khi dịch Covid-19 hạn chế đi lại của người dân thành thị. Xe đạp giúp người Trung Quốc di chuyển trong không gian rộng mở mà không phải tiếp xúc với bất kỳ người nào xung quanh.
Tỷ lệ các chuyến đi quanh bệnh viện, siêu thị và chợ thực phẩm tăng 5% so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Không chỉ ở Vũ Hán, các công ty chia sẻ xe đạp cũng ăn nên làm ra ở khắp Trung Quốc. Tất nhiên sự gia tăng gần đây không có nghĩa rằng người dùng sẽ quay trở lại gắn bó với các dịch vụ chia sẻ xe đạp.
Theo Ben Cavender, nhà phân tích của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Trung Quốc, dịch vụ chia sẻ xe đạp về lâu dài vẫn có cơ hội phục hồi và phát triển. Dịch bệnh là cơ hội tốt để các công ty chia sẻ xe đạp chứng minh được giá trị của mình.
Nhận định về xu hướng sử dụng xe đạp tăng nhanh trong mùa dịch bệnh, nhật báo Pháp Libération cho rằng, đại dịch đã đem lại cơ hội cho việc thay đổi hình thức tham gia giao thông có lợi cho việc bảo vệ môi trường lẫn sức khỏe. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen về giao thông cần được nhìn nhận rộng hơn và vượt ra ngoài khuôn khổ của một đại dịch. Các thành phố cần phải có không gian xanh dành cho cuộc sống chứ không phải là các bãi đậu xe.
Khủng hoảng Covid-19 cho thấy, nhiều thập kỷ qua, con người đã lãng quên điều này. Ví dụ tại thành phố Vienne - Áo, 2/3 diện tích dành cho giao thông là của ô tô, tuy nhiên, gần 40% các vỉa hè lại rất hẹp, đến nỗi 2 người đi bộ không thể tránh nhau khi phải tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh phòng bệnh.
Theo giới chuyên gia môi trường, công cuộc lấy lại không gian dành cho cuộc sống của con người tại các thành phố còn quan trọng hơn là một thách thức về y tế.