Sốt căn hộ cao cấp: Do thiếu hàng đạt chuẩn

Thu tiền “thành ý” chưa hẳn đã phạm luật
Sốt căn hộ cao cấp: Do thiếu hàng đạt chuẩn

Vừa qua, một số chung cư cao cấp thu hút quá đông người mua. Nhiều ý kiến cho rằng có “cơn sốt” này một phần do các chủ đầu tư tạo ra. Là người trong cuộc, ông Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cho biết:

Sốt căn hộ cao cấp: Do thiếu hàng đạt chuẩn ảnh 1

Chen chúc đăng ký mua căn hộ cao cấp Sky Garden 3. Ảnh: Tự Trung

Trước hết, tôi xin được phép không bình luận gì về phương thức kinh doanh của các chủ đầu tư khác trên thị trường và những phản ứng từ phía khách hàng và của dư luận nói chung về hiện tượng được coi là “sốt” căn hộ cao cấp vừa qua.

Còn về phần Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, chúng tôi hoàn toàn không có ý định tạo ra bất cứ một “cơn sốt” nào trong hoạt động kinh doanh của mình, dù đó là sốt thật hay sốt ảo. Chỉ có sự thật là số lượng khách hàng có nhu cầu đặt mua căn hộ chung cư trong khu vực Đô thị mới Phú Mỹ Hưng luôn luôn ở mức cao, bất chấp thị trường giao dịch nhà đang ở giai đoạn trầm lắng hay sôi động.

Chúng tôi xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng dựa trên chiến lược quy hoạch dài hạn của UBND TPHCM tại khu Nam thành phố, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các công trình này được xây dựng và đưa ra thị trường theo một lộ trình đã được xác định để đảm bảo việc hình thành một đô thị hoàn chỉnh, quy củ về mọi mặt chứ dứt khoát không chạy theo xu thế ngắn hạn của thị trường nhà đất.

Các dự án của Phú Mỹ Hưng trước khi đưa ra thị trường đều được công khai quy hoạch 1/500, có thiết kế căn hộ, diện tích, mô hình, mẫu nhà và hoàn thành đúng như vậy khi xây dựng. Lịch thanh toán cũng rõ ràng, cộng với chế độ cho vay ưu đãi của ngân hàng, chế độ hậu mãi và đặc biệt là chúng tôi công bố giá bán cụ thể cho từng căn hộ.

Về việc căn hộ tại Sky Garden 3, theo thống kê của Phòng Kinh doanh thuộc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng thì có khoảng trên dưới 3.000 người có ý định mua căn hộ tại đây. Nhằm hạn chế số người đăng ký quá đông và tránh hiện tượng giành chỗ để mua đi bán lại, chúng tôi đề nghị khách hàng mở tài khoản và chuyển một khoản “tiền thành ý” tương đương 10% giá trị căn hộ vào tài khoản đóng của Phú Mỹ Hưng.

Sau đó khách hàng sẽ có quyền tham dự bốc thăm để lấy số ưu tiên mua căn hộ. Đối với các khách hàng đã đóng “tiền thành ý” mua căn hộ Sky Garden 3 trong các đợt 2, 3 và 4 ( tham dự bốc thăm tại Dinh Thống Nhất trong 3 ngày 8, 22 và 25-11), ngay sau khi bốc thăm, chúng tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ “tiền thành ý” cho khách hàng. 

Riêng “tiền thành ý” của các khách hàng bốc thăm đợt 1 vào ngày 4-11 vừa qua đã được chuyển thành tiền  đặt cọc vào tài khoản của Phú Mỹ Hưng và Phú Mỹ Hưng không sử dụng nó cho đến khi hoàn thành phần móng. Khách hàng được quyền ưu tiên chọn sản phẩm và giá cả không thay đổi trong suốt thời gian giao dịch.

Những người không bốc thăm trúng trong đợt 1 sẽ nhận lại khoản “tiền thành ý” cộng với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Đây là thỏa thuận giữa Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và khách hàng với mong muốn tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thật sự về nhà ở có điều kiện mua nhà tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Cụ thể là trong thông báo với khách hàng, chúng tôi yêu cầu là sau khi nhận nhà, khách hàng mới được chuyển nhượng hợp đồng, tránh mua bán lòng vòng, đẩy giá “ảo”. Vì có quá đông khách đến đóng “tiền thành ý” trong khi năng lực tiếp nhận của hai chi nhánh Ngân hàng Indovina không đáp ứng kịp nên đã gây ra những cảnh chen lấn không đáng có tại các chi nhánh này. Điều này chúng tôi thành thật xin lỗi khách hàng và các cấp lãnh đạo vì đã không lường hết sự việc xảy ra.

Trong kinh doanh, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng phải tính toán mức lợi nhuận hợp lý nhất. Chính thị trường là cán cân xác định giá trị thật của mỗi sản phẩm. Các sản phẩm bất động sản của Phú Mỹ Hưng không nằm đơn lẻ mà nằm trong khuôn khổ quy hoạch khu đô thị mới. Và thực tế đang diễn ra tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã chứng minh cụ thể những nỗ lực của chúng tôi.

Như vậy các căn hộ tại dự án Sky Garden 3 không phải là sản phẩm duy nhất mà chúng tôi phải tìm mọi cách để tiêu thụ hay đẩy giá lên mà nó là một bộ phận cấu thành khối giá trị vật thể và phi vật thể của Đô thị Phú Mỹ Hưng nói chung.

Thực tế là khách hàng tìm đến Phú Mỹ Hưng nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ những tiện ích và những giá trị của một khu đô thị văn minh, đạt chuẩn cao cấp. Có những cơn sốt cục bộ như trên, một phần cũng nên nhìn nhận từ góc
độ này.

Mạnh Hùng (ghi)

Ông VŨ XUÂN THIỆN, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng):
Thu tiền “thành ý” chưa hẳn đã phạm luật

Hiện nay, tôi chưa nhận được văn bản chính thức về việc Sở Xây dựng TPHCM yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền cho khách hàng. Nhưng theo tôi biết, trường hợp của Phú Mỹ Hưng thì không phải là tiền đặt cọc, mà là “tiền thành ý”.

Khái niệm “thành ý” chưa quy định trong tất cả văn bản pháp luật, nhưng giờ nói phạm luật cũng chưa hẳn đúng. Tôi có thành ý mua nhà, anh có thành ý bán cho tôi thì chúng ta phải có gì đó ràng buộc. Cần phải phân biệt rằng, Sky Garden 3 nằm trong quần thể Phú Mỹ Hưng, hạ tầng đã hoàn chỉnh, thì việc kêu gọi góp vốn cũng cần phải xem xét, chưa hẳn đã là sai.

Các trường hợp khác, nếu là công trình độc lập thì phải xây xong phần móng mới được huy động vốn góp lần đầu. Không thể nói đúng hay sai khi không biết rõ ràng nguyên nhân. Khi nhận được văn bản báo cáo về vụ việc, chúng tôi sẽ có câu trả lời chính xác bằng văn bản. Nếu làm không khéo, chúng ta sẽ để chủ đầu tư tăng quyền hạn trong việc bán, chuyển giao căn hộ mà người dân sẽ là người thiệt thòi.

Về ý kiến cho rằng để xảy ra sự việc thu tiền rồi lại bắt trả là do có sự lúng túng, chậm trễ trong quản lý nhà nước, tôi cho không hẳn như vậy. Việc triển khai Luật Nhà ở, Nghị định 90 và Thông tư 05 đã được làm rất cẩn thận, có hướng dẫn, tập huấn rất nhiều. Còn việc tuyên truyền đến tận người dân là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Ông PHẠM SỸ LIÊM, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:
Tiền đặt cọc nên nộp vào tài khoản phong tỏa

Chung cư cao cấp là hàng hóa có giá trị cao, nên việc đặt cọc để chủ đầu tư yên tâm đầu tư là hợp lý. Nhưng ở các nước, người ta áp dụng phương thức như sau: tiền đặt cọc được gửi vào một tài khoản phong tỏa của ngân hàng, người nộp tiền được trả lãi.

Ngân hàng căn cứ vào số tiền đó, có thể cho chủ đầu tư vay lại, cũng với mức lãi thấp như mức lãi trả cho người nộp tiền, cùng với một khoản phí dịch vụ ngân hàng. Như thế, chủ đầu tư vẫn có tiền để thực hiện dự án, nhưng không có khả năng “ẵm” tiền đặt cọc của khách hàng “chuồn” đi, như trường hợp vụ lừa đảo của Trần Văn Giao vài năm trước.

Trong vụ việc vừa rồi, làm như Phú Mỹ Hưng là đúng, vì khách hàng chỉ phải nộp tiền vào tài khoản, chứ không nộp trực tiếp cho chủ đầu tư. Còn doanh nghiệp nào thu trực tiếp khi chưa xong móng là vi phạm. Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc khi đã hoàn thành móng công trình.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện chưa có hướng dẫn quy định tiền đặt cọc đó gửi cho ai. Theo tôi, nên quy định theo hướng nộp vào tài khoản, vì thực tế kể cả khi đã có móng rồi, khả năng lừa đảo vẫn có thể xảy ra. Về mặt quản lý nhà nước, rõ ràng trong vụ việc vừa qua đã phản ứng, cảnh báo chậm và hơi lúng túng. Điều này dẫn đến việc người dân ồ ạt nộp tiền, rồi bây giờ lại phải nhận lại. Cả chủ đầu tư và khách hàng đều hoang mang.

Hàm Yên (ghi) 

Tin cùng chuyên mục